Vừa qua, Bộ GTVT chủ trì soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ 2008 nhằm phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay.
Dự thảo này có nhiều điểm mới, đặc biệt Bộ đề xuất xe máy phải bật đèn cả ngày nhằm tăng khả năng nhận diện góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Theo đó, đề xuất này đã dấy lên nhiều ý kiến trái chiều từ người dân và chuyên gia các ngành, nghề.
Bật đèn xe máy cả ngày nhằm tăng khả năng nhận diện. Ảnh: TN
Trong đó, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cũng có ý kiến. Cụ thể, VAMM luôn ủng hộ các nỗ lực của Chính phủ, Bộ GTVT trong việc đưa ra những giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông nhằm đảm bảo sự an toàn cao cho người dân khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, VAMM mong muốn có lộ trình áp dụng rõ ràng và phù hợp. Từ đó, VAMM sẵn sàng phối hợp cùng Chính phủ, Bộ GTVT thực hiện lộ trình một cách hiệu quả nhất.
VAMM cũng cho biết, theo nghiên cứu của các doanh nghiệp và báo cáo của JAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Nhật Bản), việc trang bị đèn nhận diện ban ngày dẫn đến sự thay đổi rất nhỏ về mức độ và chi phí tiêu hao nhiên liệu. Giả sử, một xe máy có mức tiêu hao nhiên liệu là 2 lít/100 km, nếu bật đèn suốt quãng đường 100 km thì sẽ tốn thêm 1 đến 3,2 ml xăng đối với đèn LED và khoảng 10,4 đến 13,2 ml xăng đối với đèn Halogen.
Trước đó, sau nhiều ý kiến Bộ GTVT đề xuất thêm phương án quy định đèn nhận diện. Cụ thể, phương án 1 là: Mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải sử dụng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất.
Phương án 2 giống đề xuất trước đây, trong suốt cả ngày, mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.