Hãng tin Al-Jazeera cho hay cuộc hội đàm do Tổng thống Colombia Ivan Duque dẫn đầu đã diễn ra tại Leticia, khu vực Colombia, nơi có một phần của rừng mưa nhiệt đới Amazon.
Theo Hiệp ước Leticia Amazon vừa được ký kết, các quốc gia vùng Amazon sẽ "tăng cường hành động phối hợp", "thiết lập cơ chế hợp tác khu vực", "tăng cường nỗ lực liên quan đến giám sát rừng" và "tăng cường năng lực và sự tham gia của người bản địa và bộ lạc các tộc người" và các hành động khác. Tuy nhiên, hiệp ước vẫn thiếu vắng một số quy định cụ thể.
Trong các bên tham dự cuộc họp hôm 6-9 có Tổng thống Peru Martin Vizcarra, Tổng thống Ecuador Lenin Moreno và Tổng thống Bolivian Evo Morales, cũng như Phó Tổng thống Suriname Michael Adhin, Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Ernesto Araujo và Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên Guyana Raphael Trotman. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết ông không thể đến dự vì lý do sức khỏe. Venezuela đã không được mời đến cuộc họp.
Lãnh đạo các nước trong khu vực rừng Amazon ký kết hiệp ước. Ảnh: AL JAZEERA
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh quốc tế ngày càng phẫn nộ về sự gia tăng các vụ cháy rừng hoành hành tại khu vực Amazon. Các nhà môi trường đổ lỗi cho các chính sách và làm suy yếu các hạn chế của tổng thống Brazil về nạn phá rừng gia tăng. Ông Bolsonaro muốn mở cửa rừng nhiệt đới cho hoạt động thương mại. Hỏa hoạn cũng đã bùng phát ở Bolivia.
"Chúng tôi hiểu sự cấp bách để bảo vệ khu vực này, chúng tôi hiểu rằng có những mối đe dọa trong khu vực và về cơ bản chúng giống nhau ở các quốc gia gặp nhau ở đây hôm nay" - ông Duque nói.
"Chúng ta đã mất hàng ngàn hecta rừng mưa nhiệt đới vì sự mở rộng bất hợp pháp của biên giới nông nghiệp cũng như khai thác khoáng sản và trồng trọt bất hợp pháp" - ông Duque nói thêm.
Đồng thời, ông Duque kêu gọi tất cả nhà lãnh đạo có mặt cùng hợp tác để chống lại nạn phá rừng và chia sẻ thông tin kịp thời về việc bảo vệ Amazon.
"Khi một quốc gia cần giúp đỡ, tất cả chúng ta nên làm hết sức mình để giúp đỡ trong những trường hợp khẩn cấp này" - ông Duque nói.
Đáp lại, ông Vizcarra đã đồng ý và nói rằng: "Những gì chúng ta đã làm trong 40 năm qua là chưa thỏa đáng. Chúng ta sẽ phải thay đổi chiến lược". Peru có diện tích rừng nhiệt đới lớn thứ tư trên thế giới và thứ hai ở Mỹ Latin, sau Brazil.