Xung đột Israel - Hamas đã bước sang tháng thứ sáu. Hàng tháng trời bị bao vây và giao tranh triền miên khiến dòng viện trợ vào Dải Gaza bị ngưng trệ nghiêm trọng, người dân dải đất này bị đẩy rơi vào thảm cảnh.
Nạn đói hoành hành từ Bắc xuống Nam Gaza
Sau khi bị Hamas tấn công vào ngày 7-10-2023, Israel tuyên bố “bao vây toàn diện” Dải Gaza, cho rằng một khi dải đất “không điện, không thức ăn, không nước, không nhiên liệu” thì Hamas sẽ dễ bị loại bỏ. Phải mất hai tuần vận động căng thẳng, Mỹ mới thuyết phục được Israel cho phép hàng viện trợ vào Gaza từ cửa khẩu Rafah (Nam Gaza, giáp với Ai Cập) nhưng lượng hàng hóa này bị Israel kiểm soát gắt gao để tránh rơi vào tay Hamas.
“Thật không may, bức tranh chúng ta thấy hiện tại vô cùng nghiệt ngã và có khả năng tình hình sẽ xấu hơn nữa. Nếu không có hành động gì, chúng tôi lo ngại nạn đói lan rộng ở Gaza là điều không thể tránh khỏi” - ông Ramesh Rajasingham, Giám đốc Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo LHQ (OCHA), cảnh báo.
Một cửa khẩu duy nhất với lượng viện trợ nhỏ giọt không thể đáp ứng nhu cầu của người dân Gaza. Tháng 12-2023, Israel đồng ý mở thêm cửa khẩu thứ hai là Kerem Shalom (nằm giữa Israel, Ai Cập và Gaza). Tuy nhiên, lượng viện trợ qua Kerem Shalom lên xuống thất thường và ngày càng ít đi vì người Israel thường xuyên biểu tình, chặn hàng hóa vào cửa khẩu.
Việc đưa viện trợ vào Gaza đã khó, việc phân phối viện trợ lại càng khó hơn. Theo tờ The Washington Post, giao tranh khiến đường sá ở Gaza vốn chật hẹp càng khó di chuyển. Các đoàn xe chở hàng viện trợ phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công. Hôm 20-2, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã ngưng vận chuyển hàng cứu trợ tới Bắc Gaza vì quá nguy hiểm.
Những thách thức trên đã khiến nạn đói bủa vây người dân Palestine ở Gaza. Theo số liệu của Liên hợp quốc (LHQ), hơn 500.000 người ở Gaza đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng. Cứ sáu trẻ em dưới hai tuổi có một trẻ suy dinh dưỡng trầm trọng.
Nạn đói hoành hành dữ dội ở Bắc Gaza - chiến trường chính trong những tháng đầu chiến sự. Israel kêu gọi người dân ở Bắc Gaza di chuyển về Nam Gaza nhưng hàng trăm ngàn người Palestine vẫn chọn ở lại khu vực này dù phải sống trong cảnh khốn cùng.
Hãng tin AP ngày 8-3 dẫn lời người dân ở Bắc Gaza cho biết họ gần như không thể tiếp cận các mặt hàng thiết yếu như thịt, sữa, rau củ quả và phải ăn cỏ dại, thức ăn cho gia súc để qua cơn đói. Tình trạng thiếu lương thực trầm trọng cũng làm trật tự dân sự ở Bắc Gaza trở nên hỗn loạn. Hôm 28-2, hơn 900 người Palestine thương vong do giẫm đạp hoặc trúng đạn của Israel khi đám đông vây lấy một xe viện trợ.
Nam Gaza dù nhận được nhiều viện trợ hơn do gần các cửa khẩu nhưng tình hình cũng đang dần xấu đi khi số lượng người di dời đến khu vực này ngày càng đông.
Tìm đường đưa viện trợ vào Gaza
Trước tình hình nhân đạo đáng báo động, cộng đồng quốc tế đã và đang nỗ lực bằng nhiều cách để đưa viện trợ vào Gaza.
Hiện nhiều nước đang tiếp tế lương thực cho người dân ở Dải Gaza bằng đường hàng không. Từ cuối tháng 2, các máy bay của Jordan và Pháp đã thả hàng tấn hàng viện trợ xuống các bờ biển ở Gaza. Mỹ đầu tháng này chính thức tham gia nỗ lực này, thả hàng viện trợ dọc theo các bờ biển của dải đất. Chỉ riêng ngày 2-3 (ngày đầu tiên của đợt viện trợ), các máy bay Mỹ đã thả 38.000 suất ăn xuống khu vực.
Phát biểu thông điệp liên bang hôm 7-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ sẽ xây một cảng tạm thời ngoài khơi bờ biển Gaza để tiếp nhận viện trợ nhân đạo bằng đường biển vào dải đất này.
Ngày 8-3, Liên minh châu Âu cũng công bố kế hoạch lập hành lang hàng hải giữa Cyprus (quốc đảo ở Địa Trung Hải) và Dải Gaza. Theo đó, hàng viện trợ sẽ tập trung tại Cyprus, được vận chuyển bằng đường biển đến cảng mà Mỹ sắp xây dựng, rồi được đưa vào Gaza. Anh và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cho biết sẽ hỗ trợ kế hoạch này, theo trang tin Bloomberg.
Tuy nhiên, các tổ chức nhân đạo lưu ý rằng viện trợ bằng đường hàng không hay đường biển không thể thay thế viện trợ bằng đường bộ. Bà Tamara Alrifai, Giám đốc đối ngoại của Cơ quan LHQ về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA), khẳng định việc vận chuyển bằng các tuyến đường bộ “nhanh hơn, an toàn hơn và tiết kiệm hơn”. Nhận định của bà Alrifai có cơ sở. Hôm 8-3, một thùng viện trợ rơi từ máy bay chưa rõ của nước nào đã đè chết năm người ở Gaza và làm bị thương 10 người khác, Cơ quan Y tế Gaza đưa tin.
“Việc thả dù, lập cảng biển tạm thời và những thứ tương tự không phải là giải pháp thực tế hoặc lâu dài để ngăn chặn nạn đói đang rình rập ở Gaza” - theo bà Melanie Ward, Giám đốc điều hành Tổ chức Viện trợ y tế cho người Palestine (có trụ sở tại Anh). Bà Ward nhấn mạnh rằng giải pháp thiết thực nhất lúc này chính là ngừng bắn, cho phép viện trợ vào khu vực.
Israel hiện đối mặt với áp lực rất lớn từ cộng đồng quốc tế liên quan nguồn viện trợ vào Gaza. Nam Phi gần đây đã yêu cầu Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) ban hành biện pháp khẩn cấp chống lại Israel trước tình cảnh “nạn đói lan rộng” ở Gaza. Các đồng minh của Israel như Anh, Mỹ cũng bày tỏ thất vọng về tình hình nhân đạo ở Gaza hiện tại. Giờ đây, khi các cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas lâm vào bế tắc, các áp lực quốc tế lên Israel sẽ ngày càng lớn hơn, theo AP.•
Israel và Hamas nói gì về kế hoạch của Mỹ xây cảng ở Gaza?
Phía Israel cho biết họ “hoàn toàn ủng hộ việc triển khai một bến cảng tạm thời ở Gaza” và hứa “hợp tác đầy đủ”.
Tờ Newsweek ngày 8-3 dẫn lời ông Bassem Naim - phát ngôn viên của Hamas cho biết nhóm này đồng tình với kế hoạch của Tổng thống Biden về việc xây cảng để đưa hàng viện trợ vào Dải Gaza, cho rằng đây là “bước đi tích cực”.
“Đường thủy cũng là một bước tích cực nhưng cách dễ nhất và ngắn nhất vẫn là Israel mở các cửa khẩu trên bộ và ngừng tấn công đám đông người dân Palestine đang nhận viện trợ” - ông Naim nói.
Tuy nhiên, người phát ngôn của Hamas chỉ trích sự ủng hộ kiên định của ông Biden dành cho Israel trong bài phát biểu thông điệp liên bang Mỹ, đồng thời cáo buộc Washington tham gia trực tiếp thông qua việc hỗ trợ Israel.
Ông Naim cũng cho rằng Mỹ và Israel là bên chịu trách nhiệm cho việc thỏa thuận ngừng bắn rơi vào bế tắc.