Đau lòng cảnh người dân Gaza đói cùng cực, phải uống nước bị ô nhiễm để sống

(PLO)- Xung đột khiến lượng lớn người dân Gaza đói cùng cực, thậm chí phải đi xin ăn, uống nước bị ô nhiễm và ngủ cho quên cơn đói.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gaza hiện rơi vào nạn đói toàn diện do xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas.

Trả lời đài CNN, nhiều người dân và nhân viên y tế nói rằng họ đói và con cái họ ăn những gì có thể xem là thức ăn mà họ tìm thấy được. Trẻ em trên đường phố tranh nhau từng miếng bánh mì thiu. Nhiều người dân Gaza đói cùng cực phải đi bộ hàng giờ trong giá lạnh để tìm kiếm thức ăn, có nguy cơ hứng chịu các cuộc tấn công từ phía Israel. Khi xe cứu trợ đi vào dải đất, người dân chen lấn nhau để giành lấy hàng viện trợ.

Dân Gaza đói cùng cực, ăn cỏ, uống nước bẩn để sống
Nhiều trẻ em xếp hàng nhận thức ăn tại một bếp từ thiện ở Rafah (nam Gaza) hồi tháng 12-2023. Ảnh: REUTERS

Ông Arif Husain – nhà kinh tế trưởng của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) – cho biết ngay cả trước xung đột cứ 3 người ở Gaza thì có 2 người sống dựa vào hỗ trợ lương thực.

Trong khi đó, theo dữ liệu từ hệ thống Phân loại Giai đoạn An ninh Lương thực Tích hợp (IPC) của Liên Hợp Quốc (LHQ), xung đột khiến toàn bộ khoảng 2,2 triệu người dân Gaza phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực ở mức cao hoặc thậm chí tồi tệ hơn.

Phải ăn cỏ và uống nước bị ô nhiễm

Ông Mohammed Hamouda là một nhà trị liệu vật lý tại Gaza. Trò chuyện với CNN, ông kể lại ngày đồng nghiệp của mình – ông Odeh Al-Haw thiệt mạng khi đang lấy nước cho gia đình.

Theo lời ông Hamouda, ông Al-Haw và hàng chục người khác đang xếp hàng tại một trạm cấp nước ở trại tị nạn Jabalya (phía bắc Gaza) thì bị trúng bom của Israel.

“Thật không may, nhiều người thân và bạn bè vẫn đang ở phía bắc Dải Gaza. Họ chịu đựng rất nhiều. Họ ăn cỏ và uống nước bị ô nhiễm” – ông Hamouda nói.

Việc Israel phong tỏa và hạn chế vận chuyển hàng viện trợ khiến lượng hàng viện trợ trở nên cực kỳ hạn chế, đẩy giá cả lên cao. Điều này làm cho người dân trên khắp Gaza không thể tiếp cận được thực phẩm.

Theo LHQ, tình trạng thiếu hụt thực phẩm đặc biệt tồi tệ ở các khu vực phía bắc của Gaza. Tại đây, do hệ thống liên lạc ngừng hoạt động, các cơ quan liên quan không thể cập nhật tình hình nạn đói và thiếu nước trong khu vực.

Bạn bè của ông Hamouda ở Jabalya kể với ông rằng người dân bắc Gaza thậm chí phải mổ lừa – động vật giúp vận chuyển hàng hóa tại khu vực này – để ăn thịt.

Tại nam Gaza, bà Hanadi Gamal Saed El Jamara (38 tuổi) cho biết giấc ngủ là phương tiện duy nhất giúp các con bà quên đi cơn đói đang cồn cào trong bụng.

Bà El Jamara có 7 đứa con. Những ngày gần đây, bà phải đi xin ăn trên những con đường đầy bùn ở Rafah (miền nam Gaza).

231204144211-01-gaza-hunger (1).jpg
Người dân nhận thực phẩm ở Rafah (nam Gaza). Ảnh: AFP

Bà cố gắng cho các con ăn ít nhất 1 lần/ngày, trong khi phải chăm sóc chồng bị ung thư và tiểu đường.

“Con gái 17 tuổi của tôi nói với tôi rằng nó cảm thấy chóng mặt, chồng tôi bỏ ăn. Họ hiện rất yếu, thường xuyên bị tiêu chảy, mặt vàng vọt. Chúng tôi đang chết dần. Tôi nghĩ chết vì bom đạn có lẽ còn tốt hơn” – bà El Jamara cho hay.

Một trường hợp khác, bà Gihan El Baz sống cùng 10 người thân trong một căn lều cũ kỹ ở Rafah. Khi phóng viên CNN đến gặp bà, tay bà bế một đứa trẻ mới biết đi, trong khi tìm cách an ủi những đứa trẻ còn lại.

“Những nơi trú ẩn như thế này không có đủ thức ăn. Mặt trời lặn và chúng tôi thậm chí còn chưa có bữa trưa. Không có nước uống, không có nước sạch, không có phòng tắm sạch sẽ. Những đứa trẻ khóc đòi bánh quy và chúng tôi thậm chí không tìm được thứ gì cho chúng ăn” – bà El Baz nói.

Nguy cơ khôn lường

Bà Rebecca Inglis là một bác sĩ ngành chăm sóc đặc biệt ở Anh. Trước xung đột, bà thường xuyên đến Gaza để giảng dạy cho sinh viên y khoa tại đây. Bà cho rằng “quy mô và tốc độ” của nạn đói ở Gaza sẽ khiến những đứa trẻ tại đây đối mặt những rủi ro sức khỏe suốt đời.

Theo bà Inglis, 1.000 ngày đầu tiên trong đời của đứa trẻ là “cực kỳ quan trọng” đối với sự tăng trưởng về thể chất và phát triển nhận thức. Trẻ suy dinh dưỡng có nguy cơ tử vong cao gấp 11 lần so với trẻ được nuôi dưỡng tốt.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ em suy dinh dưỡng, đặc biệt là những trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng, có nguy cơ tử vong cao hơn vì các bệnh như tiêu chảy và viêm phổi. Theo Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) các trường hợp tiêu chảy ở trẻ em dưới 5 tuổi tại Gaza đã tăng khoảng 2.000% kể từ khi xung đột Israel-Hamas nổ ra hồi tháng 10-2023.

Bà Inglis cũng nhấn mạnh sự thiếu hụt vitamin và khoáng chất buộc cơ thể rơi vào “trạng thái ngừng hoạt động khẩn cấp”, khiến cơ thể mất khả năng tạo năng lượng, lên cân hoặc không thể duy trì các chức năng của thận và gan.

Nhieu-nguoi-dan-Gaza-doi-cung-cuc.jpg
Nạn đói đe dọa nghiêm trọng sức khỏe phụ nữ mang thai và trẻ em ở Gaza. Ảnh: AP

Bên cạnh đó, các nhân viên y tế cũng lưu ý rằng trong thời điểm căng thẳng nghiêm trọng, phụ nữ mang thai đối mặt nguy cơ bị sẩy thai hoặc sinh non. Theo Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), Gaza là nơi sinh sống của 50.000 phụ nữ mang thai.

Bà Inglis cho biết những đứa trẻ sinh ra tại Gaza trong thời điểm này nhiều khả năng bị thiếu cân và do đó có nguy cơ tử vong cao hơn. Ngoài ra, những bà mẹ bị đói và mất nước không thể cung cấp đủ sữa cho con mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm