Thế giới đang nỗ lực phủ sóng tiêm vaccine ngừa COVID-19, tiến tới dập tắt đại dịch tạo tiền đề khôi phục kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên, không ít người vẫn ngại ngần, chần chừ thậm chí quyết định không tiêm chủng.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tiêm vaccine ngừa COVID-19
tại TP New York (Mỹ) hồi tháng 2. Ảnh: UN PHOTO
Tâm lý hoài nghi, niềm tin sai lầm, tin giả…
Theo khảo sát hồi tháng 3 của Bộ Y tế và phúc lợi gia đình Mỹ, tỉ lệ người dân Mỹ ngần ngại tiêm vaccine ngừa COVID-19 là 16%. Trong số này, nhóm người quả quyết “chắc chắn không tiêm vaccine” chiếm khoảng một nửa, nửa còn lại chưa muốn đi tiêm phòng ngay.
Tháng trước, Eurofound - cơ quan nghiên cứu của Liên minh châu Âu (EU) - công bố báo cáo khảo sát cho thấy 27% người dân EU có tâm lý này. Tỉ lệ này ở các nước Đông Âu cao hơn dân các khu vực khác, có nơi lên tới 67% (Bulgaria).
Một nghiên cứu trên Facebook tại Ấn Độ cho thấy tỉ lệ này khoảng 28,7%, riêng tại bang Tamil Nadu và bang Punjab trên 40%, theo tờ The Indian Express. Một nhóm nghiên cứu khác tại Ấn Độ chủ động cung cấp thông tin về vaccine ngừa COVID-19 trước khi tìm hiểu quyết định của các nhóm khảo sát và nhận thấy 10,6% người dân vẫn không sẵn sàng đi tiêm phòng.
Theo đài CNBC, một trong những lý do khiến người dân không sẵn sàng đi tiêm là vì hoài nghi chất lượng các loại vaccine chỉ mới được phát triển trong thời gian ngắn, bên cạnh lo các tác dụng phụ của vaccine.
Niềm tin sai lầm rằng người trẻ có thể dễ dàng vượt qua hoặc tránh được COVID-19 cũng là một phần nguyên nhân. Ở Mỹ, tỉ lệ người không muốn đi tiêm vaccine ở các nhóm tuổi 18-24, 25-39 và 40-54 cao gấp 2-3 lần mức trung bình.
Một lý do nữa đã thể hiện rõ trong các nghiên cứu ở Ấn Độ và châu Âu: Những người tiếp cận thông tin qua mạng xã hội - nơi dễ dàng lan truyền các thuyết âm mưu về COVID-19 và vaccine - có xu hướng hoài nghi vaccine cao hơn những người theo dõi các nguồn tin truyền thống.
Điều kiện sinh hoạt cũng có thể là một lý do cho tâm lý do dự này. Các khảo sát chỉ ra rằng tỉ lệ người ngần ngại tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao hơn ở các địa phương kinh tế kém phát triển hoặc các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ y tế.
Muốn cuộc sống tốt hơn, hãy tiêm vaccine!
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) nhấn mạnh rằng những người do dự hoặc từ chối tiêm vaccine cần được giải thích để hiểu rằng họ có thể thay đổi cuộc sống của bản thân theo hướng tốt hơn bằng việc tiêm vaccine…
Tờ USA Today nhấn mạnh rằng ngay cả trong trường hợp không thay đổi được suy nghĩ của những người phản đối tiêm chủng, chúng ta cần ngăn họ lan truyền thông tin sai sự thật. Bằng việc phản bác tin giả, đặc biệt trên mạng xã hội, mỗi người có thể bảo vệ những người xung quanh khỏi bị ảnh hưởng vì những thông tin tiêu cực đó.
Chính phủ các nước đang tích cực triển khai các chiến dịch truyền thông kêu gọi, hướng dẫn người dân tiêm chủng, bác bỏ thông tin sai sự thật... qua trang web của các cơ quan y tế, trên các phương tiện truyền thông nhà nước và cả mạng xã hội. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh các thông tin về việc thử nghiệm vaccine, các lưu ý trước và sau tiêm vaccine, các lợi ích của việc tiêm chủng, các tác dụng phụ không phổ biến khi tiêm vaccine.
Để giúp người dân tin tưởng hơn, nhiều lãnh đạo thế giới đã tiên phong tiêm vaccine ngừa COVID-19 để khuyến khích người dân làm theo. Có thể kể đến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Đức Angela Merkel…
Các chương trình khuyến khích tiêm chủng cũng được triển khai dưới nhiều hình thức sáng tạo. Nhiều bang của Mỹ hay ở Nga, Israel, Ấn Độ, Trung Quốc… tặng quà cho người tiêm vaccine (đồ uống, thực phẩm, dụng cụ nhà bếp, vé xem các trận bóng…).
Nhiều nước còn khuyến khích người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 bằng nhiều hình thức như thưởng tiền (Serbia), trái phiếu tiết kiệm (bang West Virginia, Mỹ), phiếu quà tặng hoặc phiếu giảm giá (nhiều bang ở Mỹ, Trung Quốc)…
Một số nơi áp dụng hình thức quay số ngẫu nhiên với giá trị phần thưởng cao. Nhiều bang ở Mỹ treo các giải xổ số hàng triệu USD, người trẻ ở bang Ohio có thể được hưởng học bổng toàn phần nhờ quay số sau tiêm chủng. Ở Nga, thị dân Moscow đi tiêm chủng có thể trúng xe hơi, căn hộ.
Hãy “rõ ràng, minh bạch, trung thực” khi thuyết phục người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19. Tờ USA TODAY |
Không tiêm vaccine có thể phải đánh đổi bằng mạng sống Các mẩu chuyện được đài CNN chia sẻ hồi tuần trước cho thấy việc chậm trễ tiêm vaccine, dù vì bất kỳ lý do gì, cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Anh Mike Lewis Jr. ở bang Florida và bà Michele Preissler ở bang Maryland (Mỹ) đều chịu cảnh mất người thân vì quyết định không tiêm vaccine ngừa COVID-19 và cả hai đều hối hận vì không khuyên người nhà tiêm vaccine khi còn có thể. Cha anh Lewis qua đời chỉ bốn ngày sau khi được phát hiện nhiễm COVID-19. Khi còn sống, cha anh Lewis thường xuyên tập thể dục nhưng cũng vì thế mà ông chủ quan, tự tin vào sức khỏe của mình và cho rằng vaccine là không cần thiết. Trong khi đó, chồng bà Pressler là ông Darryl nhiễm COVID-19 và đã qua đời cách đây một tháng. Ông Darryl không tiêm vaccine vì sợ ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh khớp. Ông Josh Garza ở bang Texas vốn phản đối tiêm chủng nên dù thuộc nhóm được ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19, ông vẫn không đi tiêm. Hậu quả là ông nhiễm COVID-19 và các bác sĩ phải ghép cả hai lá phổi mới cứu được ông. Bây giờ ông Garza cực kỳ hối hận vì niềm tin sai lầm và muốn chia sẻ câu chuyện của mình để kêu gọi mọi người đi tiêm vaccine ngừa COVID-19 ngay khi có thể. |