Các phương án về hợp nhất văn phòng ĐBQH và HĐND tỉnh

Ngày 28-8, Văn phòng Quốc hội (QH) tổ chức hội nghị trực tuyến đến 63 tỉnh, TP lấy ý kiến về dự thảo nghị quyết thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của văn phòng đoàn đại biểu (ĐB) QH và HĐND cấp tỉnh.

Trình bày tờ trình và dự thảo nghị quyết, Tổng thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho hay việc xây dựng nghị quyết nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới tổ chức, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động của QH. Việc này cũng nhằm tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cụ thể hóa các quy định của Luật Tổ chức QH.

Theo ông Phúc, việc thành lập văn phòng chung trên cơ sở hợp nhất hai văn phòng của đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh cần kế thừa và phát triển những mặt tích cực, ưu điểm của các quy định trước đây, khắc phục những hạn chế, bất cập. Bên cạnh đó, việc hợp nhất vừa phải đảm bảo cho hoạt động phục vụ chung, vừa phải đảm bảo thực hiện chức năng riêng của đoàn ĐBQH và HĐND…

Liên quan đến cơ cấu, tổ chức của văn phòng chung, dự thảo quy định lãnh đạo văn phòng gồm chánh văn phòng và không quá ba phó chánh văn phòng.

Đối với số lượng phòng, dự thảo nghị quyết đề xuất hai phương án. Cụ thể, phương án 1 là văn phòng chung gồm ba phòng: Phòng Công tác QH, Phòng Công tác HĐND và Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị. Ngoài ra, căn cứ theo tính chất, mức độ công việc có thể bố trí thêm một phòng (chức năng, nhiệm vụ, tên phòng do địa phương quyết định).

Phương án 2 là căn cứ quy định của Chính phủ về tiêu chí số lượng biên chế tối thiểu để thành lập phòng chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Sau khi thống nhất với trưởng đoàn ĐBQH, thường trực HĐND cấp tỉnh quyết định số lượng, tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của từng phòng, số lượng phó trưởng phòng của các phòng đảm bảo đúng quy định.

Thảo luận sau đó, các ý kiến thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo nghị quyết. Liên quan đến các phòng chuyên môn, nhiều ý kiến thống nhất với phương án 1. Tuy nhiên, có ý kiến đề xuất nên có thêm phòng về công tác thông tin, dân nguyện.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Ninh Bình Bùi Văn Phương cho rằng Phòng Công tác thông tin, dân nguyện là phòng cốt yếu. Theo ĐB Phương, đây phải là phòng chuyên môn cứng vì nó gắn với chức năng của cơ quan dân cử. Cơ quan này có trách nhiệm lắng nghe, tập hợp ý nguyện của nhân dân, giải quyết quyền lợi chính đáng, hợp pháp của dân; theo dõi đơn thư, kiến nghị, ý kiến của cử tri...

Các ý kiến thảo luận cũng đề nghị làm rõ biên chế văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND, đảm bảo cơ sở vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ và không vượt quá số lượng biên chế của văn phòng trước khi sáp nhập, hợp nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới