Các quan điểm trái chiều việc xử lý người nghiện

Cái chung là họ đều đánh giá mức độ thành công của các biện pháp hiện hành hiệu quả chưa cao, cần có tổng kết, phân loại người nghiện, loại ma túy mà họ nghiện để có ứng xử phù hợp…

Nên xem là người bệnh

Ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội TP.HCM, cho hay: Chúng ta xem người nghiện là người bệnh nên việc xử lý hình sự người nghiện là không hợp lý, không phù hợp xu thế của thế giới.

Dù không xử lý hình sự người nghiện nhưng không có nghĩa người nghiện được tự do mà họ được chữa bệnh bằng hình thức cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Các nghiên cứu khoa học và thực tiễn xác định người nghiện cần điều trị lâu dài kết hợp nhiều giải pháp (ý chí, môi trường, sự giúp đỡ của gia đình, cộng đồng, chính sách…) chứ không chỉ đưa đi cai là hết nghiện, đặc biệt là người nghiện lâu năm.

Nếu xử lý hình sự, đưa người nghiện vào tù cũng chỉ cách ly họ với thế giới bên ngoài, còn đã là bệnh mạn tính thì khi ra tù họ cũng sẽ tái nghiện.

Còn anh Cao Tấn Thanh, trưởng nhóm hỗ trợ người nghiện ma túy cuộc sống mới, cho rằng đánh đồng người sử dụng ma túy với tệ nạn là phiến diện. Nhiều người nghiện không gây hại cho xã hội và nếu họ vi phạm pháp luật thì cứ xử lý. Việc xử lý hình sự người nghiện chỉ vì họ gây hại cho chính bản thân họ không hợp lý.

“Thực tế biện pháp cai nghiện tại gia đình, cộng đồng bằng methadone tôi thấy khá hiệu quả. Số người nghiện sử dụng methadone nếu có sự hỗ trợ nâng đỡ của gia đình, cộng đồng, tỉ lệ tái nghiện khá thấp.

Tôi được biết nhiều trường hợp vào các trung tâm nhưng vẫn tái nghiện. Ngay cả bản thân tôi, dù chưa đi cai nghiện bắt buộc nhưng cũng mất 16 năm sống cảnh mở mắt ra phải kiếm ma túy để chơi. Sau đó tôi đã tìm hiểu và đăng ký uống methadone, dần trở lại cuộc sống bình thường được 10 năm nay” - anh thanh nói

Nên nghiên cứu, đánh giá

Một cán bộ điều tra Công an huyện Hóc Môn từng công tác nhiều năm ở xã Bà Điểm cho hay là ủng hộ việc xem lại hành vi sử dụng ma túy là tội phạm nhưng xem xét ở nhiều khía cạnh.

Trước hết phải tổng kết số người nghiện tăng hay giảm sau khi xem người nghiện là người bệnh và phân loại để có cái nhìn khoa học, khách quan. Nếu chỉ dựa vào hành vi sử dụng ma túy mà đưa họ vào tù thì liệu có đủ nơi để chứa không. “Nên chăng chúng ta nhân rộng hoặc cho tư nhân hóa việc cai nghiện ma túy để kiểm soát” - vị này nói.

Trường hợp nếu phục hồi quy định hình sự hóa người nghiện thì phải chi tiết hơn về những biện pháp đã áp dụng mới tính đến việc xử lý hình sự.

Chúng ta cũng phải nhìn nhận là cả các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến công tác phòng ngừa, ngăn chặn sử dụng ma túy để thể hiện các ngành, các cấp, các đoàn thể… cùng tham gia quản lý, giáo dục người nghiện nhưng thực tế lại chỉ có công an làm. “Chúng ta cần đồng bộ hơn trong phối hợp mới ngăn ngừa việc nghiện, tái nghiện” - ông nói.

Trong khi đó, một cán bộ thuộc Đội Hình sự Công an quận Bình Tân cho hay nên xử lý hình sự người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy vì nó là mầm mống của nhiều tội phạm khác.

Tương tự, một cán bộ thuộc Đội Điều tra tổng hợp Công an quận 2 cho hay bản thân hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là đã vi phạm pháp luật rồi. “Chúng ta cũng nên tính đến việc người nghiện đã đi chữa trị, đưa đi cai… tức đã tạo mọi điều kiện để họ có thể từ bỏ ma túy nhưng tiếp tục tái phạm thì phải xử lý hình sự là phù hợp” - người này nói.

Chỉ nên đưa đi cai nghiện tập trung

Một cán bộ Đội Hình sự Công an quận 1 cho rằng phạt tù đối với người nghiện là bất khả thi, nhà tù sẽ không đủ chỗ chứa. Nghiện là bệnh, phải thống nhất quan điểm này.

Ông cho rằng thực tế việc đưa người nghiện đi cai tập trung đang gặp nhiều khó khăn, thủ tục phức tạp và nhiều trường hợp không đưa đi được.

“Trong khi biện pháp cai nghiện tại gia đình hiệu quả chưa rõ ràng. Thực tế, cai nghiện tập trung hiệu quả còn thấp huống gì cai tại gia; nhiều vụ trọng án phát sinh do sử dụng ma túy đá. Họ ở ngoài cộng đồng thì họ gây họa” - người này nói.

“Tôi cho là nên đưa người nghiện đi cai tập trung chứ xử lý hình sự, tù giam thì nặng quá” - người này nêu quan điểm.

Còn ThS Võ Văn Tài, giảng viên Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát TP.HCM, cho là việc đưa đi chữa bệnh bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính có thể đến hai năm. Trong khi việc xử lý hình sự loại tội phạm sử dụng trái phép chất ma túy trước đây thường là từ sáu tháng đến chín tháng tù giam nên việc phục hồi tội sử dụng trái phép chất ma túy vẫn không thể giải quyết cốt lõi của vấn đề.

Theo ThS Tài, nên phục hồi thẩm quyền đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cho chủ tịch UBND cấp huyện như trước đây mà không qua thủ tục tố tụng như quy định hiện hành mà không cần có chế tài hình sự với họ. “Rất khó để xử một người hai năm tù về tội sử dụng trái phép chất ma túy trong khi biện pháp hành chính cách ly người nghiện dài hơn” - ông nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm