Các tiêu chí Bộ Y tế đưa ra về kiểm soát dịch cần phù hợp với bối cảnh mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn “Lộ trình từng bước trở lại trạng thái bình thường mới tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16”. Theo đó, Bộ Y tế có các hướng dẫn liên quan các tiêu chí kiểm soát dịch, tỷ lệ giường ICU, tỷ lệ tiêm vaccine, mức độ nguy cơ. Bộ Y tế hiện đang lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; các bộ, ngành, UBND TP.HCM.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM, nhận định có một số vấn đề của các tiêu chí chưa phù hợp bối cảnh mới.

. Phóng viên: Thưa ông, việc dựa vào số ca mắc mới tại cộng đồng như một tiêu chí tiên quyết để quyết định việc mở cửa trở lại có phù hợp hay không, vì sao?

+ PGS-TS Đỗ Văn Dũng: Tôi cho rằng các tiêu chí mà Bộ Y tế đưa ra có một số điểm chưa thuyết phục. Thường thì khi đưa ra một tiêu chí nào đó thì chúng ta phải nói rõ mục tiêu của tiêu chí đó là nhằm hướng tới điều gì. Theo tôi, lúc này điều quan trọng nhất chính là giảm số ca nhập viện trở nặng và tử vong. Trong bối cảnh TP chuyển chiến lược từ “zero covid” sang “sống chung an toàn” với SARS-CoV-2 thì việc lấy số ca nhiễm làm tiêu chí chính thì chưa phù hợp.

Thứ nhất, vai trò quan trọng nhất của nền y tế đó là đảm bảo người dân không thiệt mạng khi bị lây nhiễm. Thứ hai, trước đây chúng ta cách ly, chữa trị tất cả F0 nhưng hiện nay chúng ta đã đẩy mạnh tiêm vaccine cho mọi người dân, bao gồm người yếu thế, và phần lớn F0 được hướng dẫn chăm sóc, chữa trị an toàn tại nhà nên F0 tăng thì cũng không quá ảnh hưởng đến hệ thống y tế.

. Ngoài số ca nhiễm thì Bộ Y tế cũng đưa ra tiêu chí về tỉ lệ số mẫu xét nghiệm dương tính trong số người lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR trong ngày tại cộng đồng. Ông nghĩ gì về tiêu chí này?

+ Tỷ lệ xét nghiệm PCR dương tính trên tổng số mẫu xét nghiệm ở khía cạnh nào đó cũng là tiêu chí quan trọng. Cụ thể, tiêu chí này theo tôi là để tránh trường hợp các địa phương ít xét nghiệm để phát hiện ra các ca lây nhiễm hay các ổ dịch trong cộng đồng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, nếu chạy theo chỉ tiêu có thể dẫn đến việc xét nghiệm tập trung vào nhóm ít nguy cơ, bỏ qua  nhóm bệnh nhân có triệu chứng, là nhóm quan trọng vì có khả năng lây lan cao. Điều này có thể dẫn đến lãng phí thời gian và nguồn lực. Vì vậy, nếu áp dụng tiêu chí xét nghiệm thì cũng nên có hướng dẫn rõ ràng hơn về các phương án xét nghiệm có hiệu quả thiết thực.

Còn về vấn đề chuỗi hay chùm bệnh, tôi cho rằng cũng chưa có định nghĩa rõ ràng và chính xác. Hiện nay, chuỗi-chùm bệnh được hiểu là những trường hợp có lây lan lẫn nhau, xác định đường truyền. Như vậy có chuỗi hay chùm bệnh là chỉ điểm của kiểm soát bệnh. Với chủng Delta, rất khó để có thể xác định nguồn lây do tốc độ lây lan nhanh cùng với việc dịch bệnh đã ăn sâu vào cộng đồng ở TP.HCM, nên không còn xác định được chùm ca bệnh nữaChính vì vậy, tôi nghĩ tiêu chí chuỗi-chùm ca bệnh là không phù hợp, không rõ ràng.

. Tiêu chí thứ ba mà Bộ đưa ra chính là số giường cấp cứu ICU với đầy đủ nhân lực, trang thiết bị theo quy định đảm bảo đáp ứng 5% số ca nhiễm khi tỉnh, thành phố được đánh giá nguy cơ rất cao. Ông đánh giá ra sao về tiêu chí này?

+ Nếu tư duy chống dịch của chúng ta là làm sao để khi có lây nhiễm, bệnh viện có đủ giường bệnh để lo cho bệnh nhân COVID-19, thì việc đưa ra con số 5% cho số giường ICU trên tổng ca bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế là không phù hợp. Lý do là nếu tiêm vaccine đầy đủ (nhất là cho người già, bệnh lý nền), được phát hiện sớm và được hướng dẫn chăm sóc y tế sớm thì sẽ không bị chuyển nặng để phải nhập viện và sử dụng đến giường bệnh ICU. Khi đó số giường bệnh ICU không cần nhiều. Như vậy, không chỉ số giường ICU hay tầng 3 (mô hình 3 tầng của TP), mà phải tập trung cho việc chăm sóc y tế cho F0 tại nhà, tầng 1, 2.

Nếu đặt chỉ tiêu cào bằng thì có thể phát sinh hai vấn đề: (i) Các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng khác nhau lại phải chấp nhận một chỉ tiêu chung về giường bệnh ICU; (ii) các địa phương có thể sẽ tập trung vào tầng 3 mà bỏ qua các tầng 1, 2; hoặc thậm chí vấn đề phát hiện sớm, điều trị sớm ngay từ khi còn ở nhà có thể sẽ bị xem nhẹ.

. Vaccine là vấn đề cực kỳ quan trọng. Vậy khi áp tỷ lệ vaccine với các địa bàn ở TP thì cần lưu ý vấn đề gì, thưa ông?

+ Vaccine là một giải pháp hiệu quả và lâu dài, giúp giảm lây lan và tử vong. Với chỉ tiêu vaccine thì không còn nhắm tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng nữa, vì biến chủng Delta lây quá nhanh đòi hỏi tỷ lệ tiêm chủng để đạt đến mục tiêu này là không khả thi. Như vậy, các chỉ tiêu vaccine, theo tôi, nên theo nguyên tắc là có càng nhiều nguồn vaccine thì tiêm càng nhiều. Điều quan trọng là cần tập trung bảo vệ các nhóm yếu thế, tức người có nguy cơ chuyển nặng và tử vong (người già, bệnh nền…); nhân viên tuyến đầu và người có khả năng lây cho cộng đồng nếu mắc bệnh.

. Theo ông, tính đến nay tình hình kiểm soát dịch bệnh ở TP.HCM như thế nào và khả năng mở cửa ở những ngày tới ra sao?

+ Tôi cho rằng số ca tử vong ở TP.HCM còn cao so với mong đợi. Chúng ta kỳ vọng số ca tử vong có thể giảm xuống mốc dưới 100 ca, thậm chí tốt nhất là dưới 70 ca để có thể bình thường mới. Dù vậy, nếu nhìn theo xu hướng thì dễ thấy số ca tử vong đã giảm đáng kể. Điều đó dự báo TP có thể kiểm soát dịch toàn diện hơn trong những ngày tới.

Các chỉ tiêu khác, như số giường bệnh, tiêm vaccine… của TP cũng đã tốt hơn rất nhiều. Điều đó cho thấy chúng ta có thể bắt đầu cho hoạt động các cơ sở kinh doanh các loại hàng  hóa dịch vụ thiết yếu nhưng phải thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm