Nghị định 07/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ chính thức có hiệu lực từ ngày 15-3-2021, đã thay đổi tiêu chí để xác định hộ nghèo so với tiêu chí xác định hộ nghèo hiện hành.
Cụ thể, theo Điều 2 Nghị định 07 thì từ ngày 1-1-2021 tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg.
Nâng mức thu nhập bình quân để xác định hộ nghèo
Hiện tại, để xác định là hộ nghèo ở khu vực nông thôn phải đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1 triệu đồng và thiếu hụt từ ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Ở khu vực thành thị, để xác định là hộ nghèo phải đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống; Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1,3 triệu đồng và thiếu hụt từ ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Kể từ năm 2022, chuẩn nghèo đã được thay đổi theo hướng nâng mức thu nhập bình quân lên. Cụ thể, chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên (theo Khoản 2, Điều 3 Nghị định 07).
Chuẩn nghèo ở khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm những gì?
Mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm những gì?
Có 6 dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: Việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.
Mười hai chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm:
1. Việc làm: Hộ gia đình có ít nhất một người không có việc làm (người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động, sẵn sàng/mong muốn làm việc nhưng không tìm được việc làm); hoặc có việc làm công ăn lương nhưng không có hợp đồng lao động.
2. Người phụ thuộc trong hộ gia đình: Hộ gia đình có tỷ lệ người phụ thuộc trong tổng số nhân khẩu lớn hơn 50%. Người phụ thuộc bao gồm: trẻ em dưới 16 tuổi; người cao tuổi hoặc người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.
3. Dinh dưỡng: Hộ gia đình có ít nhất một trẻ em dưới 16 tuổi suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi hoặc suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi.
4. Bảo hiểm y tế: Hộ gia đình có ít nhất một người từ đủ 6 tuổi trở lên hiện không có bảo hiểm y tế.
5. Trình độ giáo dục của người lớn: Hộ gia đình có ít nhất một người trong độ tuổi từ 16 tuổi đến 30 tuổi không tham gia các khóa đào tạo hoặc không có bằng cấp, chứng chỉ giáo dục đào tạo so với độ tuổi tương ứng [Người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đang học hoặc đã tốt nghiệp trung học cơ sở; từ 18 tuổi đến 30 tuổi đang học hoặc đã tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc sơ cấp/trung cấp/cao đẳng nghề; hoặc người từ 16 tuổi đến 30 tuổi được doanh nghiệp tuyển dụng và chứng nhận đào tạo nghề tại chỗ (hình thức vừa học vừa làm)].
6. Tình trạng đi học của trẻ em: Hộ gia đình có ít nhất 1 trẻ em từ 3 tuổi đến dưới 16 tuổi không được học đúng bậc, cấp học phù hợp với độ tuổi (trẻ từ 3 tuổi đến dưới 6 tuổi được tiếp cận giáo dục mầm non, trẻ từ 6 tuổi đến dưới 12 tuổi được tiếp cận giáo dục tiểu học và trẻ từ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi được tiếp cận giáo dục trung học cơ sở).
7. Chất lượng nhà ở: Hộ gia đình đang sống trong ngôi nhà/căn hộ thuộc loại không bền chắc (trong ba kết cấu chính là tường, cột, mái thì có ít nhất hai kết cấu được làm bằng vật liệu không bền chắc).
8. Diện tích nhà ở bình quân đầu người: Diện tích nhà ở bình quân đầu người của hộ gia đình nhỏ hơn 8m2.
9. Nguồn nước sinh hoạt: Hộ gia đình không tiếp cận được nguồn nước sạch trong sinh hoạt (gồm: nước máy, giếng khoan, giếng đào được bảo vệ, nước khe/mó được bảo vệ và nước mưa, nước đóng chai bình).
10. Nhà tiêu hợp vệ sinh: Hộ gia đình không sử dụng hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh (gồm: tự hoại/bán tự hoại, thấm dội nước (Suilabh), cải tiến có ống thông hơi (VIP), hố xí đào có bệ ngồi, hai ngăn).
11. Sử dụng dịch vụ viễn thông: Hộ gia đình không có thành viên nào sử dụng dịch vụ internet.
12. Phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin: Hộ gia đình không có phương tiện nào trong số các phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin: Phương tiện dùng chung: Tivi, radio, máy tính để bàn, điện thoại; Phương tiện cá nhân: Máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh.
Như vậy, kể từ năm 2022 trở đi, nếu hộ gia đình ở thành thị mà có thu nhập bình quân đầu người từ 2 triệu đồng/tháng trở xuống và thiếu hụt từ ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản như đã nêu trên thì được xem là hộ nghèo.
Như vậy, kể từ năm 2022 trở đi, nếu hộ gia đình ở thành thị mà có thu nhập bình quân đầu người từ 2 triệu đồng/tháng trở xuống và thiếu hụt từ ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản như đã nêu trên thì được xem là hộ nghèo.
(PLO)- Xét chuẩn nghèo, ngoài việc dựa trên tiêu chí về thu nhập còn xét đến mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.