1. Google sẽ đóng cửa dịch vụ Picasa từ ngày 1-5
Vừa qua, Google cho biết họ sẽ đóng cửa dịch vụ Picasa và chuyển toàn bộ hình ảnh của người dùng sang Google Photos. Việc đóng cửa sẽ được tiến hành theo hai giai đoạn khác nhau, kể từ 15-3-2016, ứng dụng Picasa trên máy tính sẽ ngừng hoạt động, trong khi đó Picasa Web Album và Picasa Web Album Data API vẫn sẽ hoạt động bình thường cho đến hết 1-5-2016.
Đại diện của Google cho biết: "Chúng tôi tin rằng việc hợp nhất các dịch vụ sẽ mang lại nhiều trải nghiệm tốt hơn, nhiều tính năng hơn thay vì phân chia chúng thành các sản phẩm khác nhau”.
Cách đây không lâu, Yahoo cũng tuyên bố sẽ thu hẹp việc đầu tư vào dịch vụ lưu trữ hình ảnh Flickr để tập trung vào các sản phẩm chủ chốt khác, đồng thời giảm bớt các khoản thua lỗ hằng tháng.
Bên cạnh đó, Google cũng sẽ đóng cửa luôn phiên bản Google Play dành cho giáo dục. Đây là một dự án đã được hãng triển khai cách đây hai năm để đưa tablet vào trường học. Tuy nhiên, nó đã không thành công bởi Chromebook và các thiết bị của Apple, Microsoft đã làm rất tốt việc này.
Google đã mua lại Picasa từ Lifescape vào hồi tháng 7-2004 và cung cấp miễn phí cho người dùng. “Picasa” là sự kết hợp của từ “pic” (hình ảnh) và cụm từ “mi casa” (theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là nhà tôi). |
2. Apple không giúp FBI mở khóa iPhone để bắt tội phạm
Thẩm phán Pym tại Los Angeles (Mỹ) đã yêu cầu Apple mở khóa chiếc iPhone 5C của Syed Rizwan Farook (kẻ đã xả súng giết người hàng loạt vào hồi tháng 12 vừa qua tại San Bernardino, California) để giúp Cục Điều tra Liên bang (FBI) tìm hiểu nguyên nhân và các vấn đề liên quan.
Tuy nhiên, phía Apple đã không hợp tác và từ chối đưa ra bình luận. Các công tố viên cho biết: “Apple có các phương tiện kỹ thuật đặc biệt để hỗ trợ Chính phủ trong việc truy bắt tội phạm nhưng họ đã không tự nguyện hỗ trợ”.
Apple không giúp FBI mở khóa để điều tra tội phạm. Ảnh: Internet
Farook và vợ mình đã xả súng giết chết 14 người, làm bị thương 22 người khác vào 2-12-2015. Cả hai nghi can đều bị tiêu diệt ngay sau đó trong cuộc đọ súng với cảnh sát. |
3. VAIO, Toshiba và Fujitsu sẽ sáp nhập mảng máy tính thành một
Theo các báo cáo từ Bloomberg, cả ba nhà sản xuất máy tính của Nhật Bản là VAIO, Toshiba và Fujitsu đang có kế hoạch hợp nhất thành một. Việc này sẽ giúp họ có thể kiểm soát được 30% thị phần tại Nhật Bản, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất và vượt mặt cả Lenovo.
Nếu mọi thứ tốt đẹp, thỏa thuận này sẽ được ký kết vào cuối tháng 3 sắp tới, nhiều khả năng công ty mới sẽ được gọi là VAIO.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của Bloomberg lại tỏ ra không mấy lạc quan về thương vụ này, bởi với một nguồn lực tổng hợp, cả ba sẽ chỉ mạnh mẽ ở Nhật Bản, trong khi lại hụt hơi ở các thị trường khác như châu Âu hoặc Bắc Mỹ.
Cả VAIO, Toshiba và Fujitsu đều đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, hy vọng việc sát nhập sẽ giúp họ có thể trỗi dậy và lại trở thành một trong những thương hiệu được nhiều người yêu thích. |
4. Opera khước từ lời đề nghị mua lại từ công ty Qihoo (Trung Quốc)
Vừa qua, công ty phần mềm Trung Quốc - Qihoo đã gợi ý muốn mua lại trình duyệt Opera với giá 1,2 tỉ USD. Được biết Qihoo cũng có một trình duyệt riêng mang tên 360 Safe Browser, thường được tích hợp và cài lén vào máy tính người dùng. Một khi đã xâm nhập thành công vào hệ thống nó sẽ gây khó dễ và làm ảnh hưởng đến các trình duyệt khác.
Phía Qihoo cũng dụ dỗ rằng nếu chấp nhận giao dịch, công ty sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình để tích hợp sẵn trình duyệt Opera lên các thiết bị Android được bán ra tại Trung Quốc.
Tất nhiên, Opera đã không đồng ý với thương vụ mua bán này bởi Qihoo quá gian dối trong việc làm ăn. Đối với Opera, tiền bạc rất quan trọng có thể cứu họ khỏi những khó khăn đang gặp trước mắt và tiếp cận được gần một tỉ người dùng smartphone tại Trung Quốc.
Nếu phát hiện trên máy có các phần mềm như Safe Browser hay Qihoo 360, bạn đọc có thể gỡ bỏ nó bằng cách cài đặt IObit Uninstaller tại http://goo.gl/nUs1oP. Xem thêm bài viết Gỡ sạch sẽ các ứng dụng dư thừa trên Windows để biết cách sử dụng.
Vào hồi năm ngoái, Qihoo cũng đã bị AVTest Labs cáo buộc sử dụng các chiêu trò gian lận để tăng hạng cho phần mềm antivirus Qihoo 360. Mặc dù có đầy đủ bằng chứng nhưng phía Qihoo vẫn một mực phủ nhận. |