UBND các tỉnh, thành có mức chênh lệch về giá đất tại khu vực giáp ranh vượt mức quy định như đã nêu ở trên phải thỏa thuận thống nhất về mức giá đất tại khu vực này. Trường hợp không thống nhất được thì Bộ TN&MT họp với UBND tỉnh, TP để thống nhất. Nếu vẫn không thống nhất được thì báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định trước ngày 15-10 của năm đó.
Hiện giá đất khu vực giáp ranh giữa các tỉnh với các TP lớn thường chênh lệch rất lớn. Vì thế giá bồi thường cho người dân ở các khu vực này có nhiều chênh lệch khiến xảy ra khiếu kiện ở nhiều nơi. Tuy nhiên, pháp luật đất đai hiện hành lại thiếu hướng dẫn cụ thể. Vì thế, hầu hết các tỉnh, thành không thể ngồi lại với nhau để thống nhất. Dự thảo nghị định này đã có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện.
Ngoài ra, ông Bùi Ngọc Tuân, Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai, cho biết điểm mới trong Luật Đất đai 2013 được hướng dẫn trong dự thảo nghị định này là khung giá đất ban hành năm năm một lần, trong khi pháp luật hiện hành không quy định thời hạn; đồng thời bảng giá đất ban hành năm năm một lần, trong khi quy định hiện hành mỗi năm ban hành một lần.
Cụ thể, dự thảo quy định, Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ năm năm một lần và công bố công khai vào ngày 1-6 của năm trước liền kề năm UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất. UBND cấp tỉnh xây dựng, ban hành bảng giá đất định kỳ năm năm một lần và công bố công khai vào ngày 1-1 của năm đầu kỳ. Năm đầu kỳ ban hành, công bố bảng giá đất vào ngày 1-1-2015.
“Bảng giá đất năm sau thường cao hơn năm trước. Người dân có tâm lý chờ đợi bảng giá đất mới hy vọng được bồi thường cao hơn nên chưa nhận tiền bồi thường. Vì thế làm kéo dài thời gian thu hồi đất. Trong khi đó, bảng giá đất chỉ để tính thuế, lệ phí. Thế nhưng hằng năm vẫn phải xây dựng, gây tốn kém, lãng phí. Việc quy định năm năm xây dựng một lần để thu thuế, phí là phù hợp. Trong năm năm đó, nếu có biến động lớn thì điều chỉnh” - ông Tuân lý giải.
HOÀNG VÂN