Các trường đại học đua xét tuyển bổ sung

(PLO)- Hiện đã có hơn 40 cơ sở đào tạo đại học trên cả nước thông báo xét tuyển bổ sung.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời điểm này, thí sinh (TS) trúng tuyển đợt 1 đang xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ GD&ĐT cũng như trực tiếp tại các trường. Tuy nhiên, nhiều trường đã thông báo xét tuyển bổ sung ở nhiều ngành học theo nhiều phương thức.

Thí sinh làm thủ tục nhập học vào trường đại học tại TP.HCM. Ảnh: NT

Thí sinh làm thủ tục nhập học vào trường đại học tại TP.HCM. Ảnh: NT

Hàng loạt ngành điểm thấp tuyển bổ sung

Một trong những trường thông báo xét tuyển bổ sung sớm, chỉ tiêu nhiều là Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM với hơn 2.000 chỉ tiêu cho 11/11 ngành học. Trường tuyển theo ba phương thức là kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ và kết quả kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM. Thời gian nhận hồ sơ đến hết ngày 9-10.

Đáng nói, những ngành “hot” như tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành… điểm nhận hồ sơ lại rất thấp, chỉ từ 15 điểm theo tổ hợp ba môn, riêng điểm đánh giá năng lực là từ 500 (theo thang 1.200 điểm). Đây cũng là điểm chuẩn của cả ba phương thức trong đợt công bố của trường ở đợt 1 ngày 15-9 vừa qua.

Tiếp đó, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng thông báo tuyển sinh đợt bổ sung cho cả 35 ngành theo hai phương thức là xét học bạ và kết quả thi tốt nghiệp THPT. Thời gian nhận hồ sơ đến hết 17 giờ ngày 5-10. Trong đó, với xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành răng hàm mặt và y khoa có điểm sàn là 22, ngành y học cổ truyền và dược học 21 điểm. Các ngành điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm, kỹ thuật phục hồi chức năng và hộ sinh 19 điểm. Các ngành còn lại chung mức điểm sàn 15.

Nhiều ngành có nhu cầu nhân lực rất lớn, thậm chí thu nhập khá cao nhưng TS rất e dè khi đăng ký.

Theo ThS Ngô Trí Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, TS tham gia xét tuyển bổ sung đều được hưởng các chính sách như TS đợt 1 nhưng điểm tuyển sinh bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1.

Trường ĐH Văn Lang thông báo mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung cho 50 ngành ĐH chính quy theo ba phương thức. Thời gian nhận hồ sơ đến hết ngày 30-9. Trong đó, ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022, điểm nhận hồ sơ 16-21 điểm, cao nhất là ngành dược học. Với phương thức xét học bạ THPT, điểm sàn 18-24 điểm, nhóm ngành sức khỏe vẫn cao nhất. Còn phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2022, điểm sàn dao động 650-750 điểm.

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn, từ ngày 18-9 đến 17 giờ ngày 30-9, Bộ GD&ĐT mở hệ thống để TS xác nhận nhập học trực tuyến. Sau đó, TS thực hiện nhập học tại các cơ sở đào tạo theo kế hoạch, thời gian và quy định của các đơn vị đó. TS không thực hiện quy trình này coi như từ chối cơ hội học tập đã trúng tuyển.

Thiếu nhiều ở những ngành “kén” người học

Như các năm trước, những nhóm ngành được nhiều trường thông báo tuyển bổ sung là những ngành vốn “kén” người học như môi trường, kỹ thuật giao thông, dệt may, cơ khí…

Cụ thể, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM thông báo xét tuyển bổ sung đến chín ngành/chuyên ngành với tổng chỉ tiêu là 500 TS. Thời gian nhận hồ sơ từ ngày 1 đến hết 7-10, theo hai phương thức là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập THPT. Ba chuyên ngành cần bổ sung nhiều nhất là cơ khí ô tô, cơ điện tử ô tô, quản lý cảng và logistics (mỗi chuyên ngành 90 chỉ tiêu), còn lại 20-60 chỉ tiêu/chuyên ngành. Điểm nhận hồ sơ đồng loạt là 15 điểm với xét kết quả tốt nghiệp THPT, xét học bạ dao động 18-22 điểm.

Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng thông báo xét tuyển bổ sung 180 chỉ tiêu cho tám ngành/nhóm ngành đào tạo ở cơ sở TP.HCM. Ngưỡng điểm nhận hồ sơ là 19 điểm với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ngoài ra, trường cũng tuyển bổ sung 140 chỉ tiêu tại Phân hiệu Quảng Ngãi cho bốn ngành bằng cả hai phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và kết quả học tập THPT năm lớp 12. Thời gian nhận hồ sơ đến 16 giờ ngày 30-9.

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết các ngành xét tuyển bổ sung đều là những ngành hằng năm khó tuyển như kỹ thuật xây dựng, công nghệ dệt may, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, nhóm ngành quản lý tài lý tài nguyên môi trường, quản lý đất đai và kinh tế tài nguyên…

“Đây là những ngành có nhu cầu nhân lực rất lớn, thậm chí thu nhập khá cao nhưng TS rất e dè khi đăng ký, có thể các em sợ ra trường làm việc vất vả hơn so với những ngành khác. Có những ngành dù đợt 1 trường gọi tối đa vẫn không đủ chỉ tiêu. Có ngành về môi trường thì mới tuyển được 55% chỉ tiêu, một số ngành cũng chỉ mới tuyển đạt 80%-90%” - ông Nhân nói, đồng thời cho hay do quy định khi tuyển bổ sung là điểm trúng tuyển không thấp hơn đợt 1 nên cơ sở TP.HCM chỉ tuyển bổ sung bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022.•

Nhìn tổng thể, năm nay điểm chuẩn tăng nhiều ở các ngành. Với cách đổi mới quy trình tuyển sinh, TS có nhiều cơ hội trúng tuyển vào những ngành mong muốn và các trường cũng an tâm hơn khi tuyển được đúng đối tượng. Tuy nhiên, việc này phần nào cũng gây khó khăn cho một số trường, nhất là những trường có chỉ tiêu lớn khi bị động về nguồn tuyển. Những ngành vốn đã khó tuyển lại càng thêm khó khi TS “chạy” theo ngành “hot”. Việc xác định điểm sàn cũng khó khăn vì chỉ “áng chừng” mà không có dữ liệu TS đăng ký nguyện vọng cụ thể. Do đó, có những ngành đã xác định điểm sàn cao thì không thể hạ điểm chuẩn thấp hơn, dẫn tới thiếu chỉ tiêu.

Với những ngành, trường “kén” người học, đây cũng là dịp đánh giá lại chất lượng đào tạo, mức độ lan tỏa truyền thông đến TS. Từ đó có những giải pháp nâng chất lượng đào tạo, đổi mới cách thức tiếp cận TS theo hướng phù hợp và đúng đối tượng hơn.

Một chuyên gia phụ trách tuyển sinh tại TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm