Sau sáu lần lọc ảo, các trường đại học (ĐH) trên cả nước đã lần lượt công bố điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 ngay từ chiều 15-9. Nhìn chung, điểm chuẩn tăng cao ở những trường tốp đầu, những ngành hút thí sinh đăng ký.
Nhiều ngành học có điểm chuẩn cao kỷ lục
Một trong những trường có mức điểm chuẩn đáng chú ý trong ngày đầu tiên công bố điểm chuẩn là Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) khi những ngành xét tuyển tổ hợp C00 (văn, sử, địa) có điểm cao ngất ngưởng.
Cụ thể, ngành Đông phương học, Hàn Quốc học, quan hệ công chúng ở khối C00 có mức điểm chuẩn cao nhất là 29,95. Kế tiếp, ngành báo chí 29,9 điểm. Ngành khoa học quản lý, quản lý thông tin đều tuyển mức 29. Các ngành tuyển tổ hợp C00 khác điểm chuẩn cao, dao động 27-28 điểm.
Nhiều ngành học có điểm chuẩn tăng mạnh so với năm trước, nhất là ngành ở tổ hợp C00 hoặc A00, ngành “hot”. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Tại TP.HCM, ngành luật có xét tuyển tổ hợp C00 ở Trường ĐH Luật TP.HCM cũng có mức điểm chuẩn cao nhất 27,5 điểm. Các tổ hợp khác của những ngành còn lại cũng có điểm từ 22,5 đến 26 điểm.
Điều này được các trường đánh giá là phù hợp với kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay khi môn lịch sử có điểm thi tăng mạnh, hai môn còn lại cũng ở mức cao so với mọi năm.
Bên cạnh điểm chuẩn cao ở khối xã hội, với cách thay đổi trong tuyển sinh theo hướng tăng cơ hội xét tuyển cho thí sinh khi Bộ GD&ĐT thực hiện lọc ảo chung tất cả phương thức, điểm chuẩn năm nay có sự phân hóa rõ rệt theo năng lực, nguyện vọng của thí sinh.
Cụ thể như Trường ĐH Ngoại thương, ở tổ hợp A00, điểm chuẩn các ngành đều ở mức rất cao. Như ngành kinh tế đối ngoại cơ sở Hà Nội cao nhất với 28,4 điểm. Hai nhóm ngành tại TP.HCM đều là 28,25.
Còn Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng gây chú ý với điểm chuẩn cao của cả 13 ngành học khi dao động từ 26,2 điểm đến 28,5 điểm. Tức để trúng tuyển vào ngành thấp điểm nhất của trường, thí sinh phải có mỗi môn ít nhất gần 9 điểm cho tổ hợp ba môn xét tuyển. Trong đó, cao nhất là ngành kỹ thuật phần mềm với 28,5 điểm.
Còn Trường ĐH Kinh tế - Luật cũng có ba chương trình đào tạo có mức điểm trúng tuyển trên 27 điểm. Cao nhất là thương mại điện tử 27,55 điểm. Đa số ngành còn lại cũng trên 24 điểm.
Điểm chuẩn phù hợp với kết quả thi và lượng thí sinh đăng ký
Đánh giá điểm chuẩn tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM năm nay, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh, cho rằng so với năm 2021, những ngành tăng nhiều như tự động hóa (từ 17 điểm lên 21 điểm), công nghệ sinh học (từ 16,5 lên 21), an toàn thông tin (từ 16 lên 22,5)...
Tuy nhiên, năm nay nhiều ngành cũng đã giảm như công nghệ thực phẩm giảm 1,5 điểm, quản trị kinh doanh giảm 0,75. Theo ông Sơn, việc tăng giảm điểm là rất bình thường, phụ thuộc vào chỉ tiêu tăng hay giảm và thí sinh cân nhắc hơn khi so sánh với điểm chuẩn năm trước để không dồn vào những ngành “hot”.
Theo công bố của Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), điểm chuẩn ở đa số ngành có sự biến động nhiều so với năm 2021. Đặc biệt năm nay, Chương trình tiên tiến khoa học máy tính đã có mức điểm chuẩn kỷ lục là 28,2.
Phân tích phổ điểm chuẩn năm nay, ThS Trần Vũ, Trưởng Phòng tuyển sinh và truyền thông của trường, cho rằng đa số môn thi đều có khoảng điểm khá giống với hai năm trước, chỉ có vài trường hợp năm nay thay đổi khá nhiều, ví dụ như môn sinh, môn tiếng Anh và môn sử. Do đó điểm chuẩn năm nay của trường cũng ảnh hưởng bởi có các tổ hợp sử dụng môn tiếng Anh và môn sinh học. Điều này thể hiện ở việc các khối ngành thuộc lĩnh vực khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, bảo vệ môi trường như ngành sinh học, môi trường thấp hơn năm vừa rồi khoảng 1 điểm.
Tương tự, đối với các khối ngành thuộc nhóm toán, máy tính và công nghệ thông tin là những ngành có sự thu hút các học sinh giỏi, trong khi phổ điểm phổ biến là A00 (toán - lý - hóa) không khác nhiều so với năm trước nên điểm chuẩn cũng tăng nhẹ 0,2-0,5 điểm.
Còn đối với các lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật công nghệ, theo ThS Vũ, nhóm này có khoảng biến thiên nhiều nhất so với năm 2021. Lý do vì sự xuất hiện của một số ngành công nghệ mới như công nghệ vật lý điện tử và tin học thu hút sự quan tâm của thí sinh hơn; nhưng cũng đồng thời có nhiều ngành sử dụng môn tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển nên khoảng điểm năm nay có dao động (cộng trừ) trong khoảng 1-1,5 điểm.
Tuy nhiên, ThS Vũ cũng lưu ý thí sinh cần phải xem thật kỹ thông tin từ các trường vì mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển duy nhất một nguyện vọng, tức là chỉ có duy nhất một nơi có thể xác nhận nhập học và làm thủ tục nhập học. Bên cạnh đó, khi đã biết kết quả, thí sinh nên tranh thủ tìm hiểu về địa điểm sẽ học tập để lưu ý về phương tiện di chuyển, ký túc xá, các điều kiện sinh hoạt và các khoản phí cần thiết để tránh bị động. Đồng thời, thí sinh cần tự lập ngay từ những ngày đầu làm thủ tục nhập học để dần thích nghi môi trường học mới ở ĐH.
Thí sinh xác nhận nhập học từ ngày 18-9 đến 17 giờ ngày 30-9
Theo văn bản khẩn của Bộ GD&ĐT tối 15-9, từ ngày 18-9 đến 17 giờ ngày 30-9, Bộ GD&ĐT sẽ mở hệ thống để thí sinh xác nhập nhập học trực tuyến. Sau đó, thí sinh tiếp tục thực hiện nhập học tại các cơ sở đào tạo theo kế hoạch, thời gian và quy định của các đơn vị đó.
Bộ lưu ý các cơ sở đào tạo có thể bắt đầu tổ chức nhập học đồng thời với quá trình thí sinh xác nhận nhập học; hoặc tổ chức nhập học sau quá trình thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến. Đồng thời phải nhắc nhở những thí sinh chưa nộp lệ phí xét tuyển tiếp tục hoàn thành trách nhiệm nộp lệ phí xét tuyển trên hệ thống trực tuyến.
Bên cạnh đó, Bộ đề nghị các cơ sở đào tạo phải thực hiện các cam kết đối với thí sinh, tư vấn, hỗ trợ và giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro được công bố trong đề án tuyển sinh theo quy định. Đồng thời phối hợp với các cơ sở đào tạo có liên quan để giải quyết đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan tới công tác xét tuyển của cơ sở đào tạo theo quy định của pháp luật.