Các yếu tố, các bên nào sẽ có ảnh hưởng đến xung đột Nga-Ukraine trong thời gian tới?
Liên minh châu Âu (EU) chắc chắn có ảnh hưởng lớn đến tương lai của cuộc xung đột, theo tờ El Pais.
Cần xác định thực tế, EU là một bên đóng vai trò quan trọng trong các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và đảm bảo sự ổn định tài chính của Ukraine nhưng các nước thành viên khối này cũng là những nước mua lượng lớn dầu và khí từ Nga.
Đã có nhiều lo ngại về tính thống nhất nội bộ EU. Tuy nhiên, có những dấu hiệu mới nhất cho thấy EU vẫn thống nhất trong việc hỗ trợ Ukraine. Ngày 2-12-2022, EU áp đặt giá trần lên dầu thô của Nga. Hai tuần sau đó, EU thống nhất được mức giá trần sẽ áp lên khí đốt Nga.
Điều đáng lưu ý là sự mệt mỏi và tình trạng bất ổn kinh tế mà châu lục này phải chịu thời gian qua và chỉ có thời gian mới trả lời liệu lục địa này có thể chống lại được những điều này hay không.
Với Mỹ, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 đưa đến kết quả là một chính phủ bị chia rẽ: Đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện và đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện. Trong chiến dịch tranh cử, ban lãnh đạo đảng Cộng hòa vốn ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố họ dự định giảm hỗ trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, theo El Pais, đến năm 2023, lưỡng viện Quốc hội Mỹ vẫn sẽ có đủ số nghị sĩ Cộng hòa chống Nga và việc hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine vẫn sẽ tiếp tục.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến phát biểu tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ ngày 21-12-2022. Ảnh: BLOOMBERG/GETTY IMAGES |
Chính quyền ông Biden thời gian qua đã thận trọng tránh mọi nguy cơ leo thang, tránh xung đột trực tiếp với Nga. Bản thân ông Biden đã bày tỏ sự ủng hộ đối với một “đường tắt” có thể chấm dứt giao tranh vũ trang.
Từ nhận xét của tướng Milley có thể thấy Mỹ đang cân nhắc khi nào có thể là thời điểm thích hợp để khuyến khích đàm phán. Với sự hỗ trợ to lớn trong suốt một năm cho Kiev, chính quyền ông Biden có uy tín vững chắc để thuyết phục Ukraine ngồi vào bàn đàm phán.
Trung Quốc cũng là một yếu tố có thể ảnh hưởng đến tương lai xung đột Nga - Ukraine. Chia sẻ với El Pais, một nhà ngoại giao cho rằng “khoảng cách giữa phương Tây và Nga là rất lớn… trung gian hòa giải là cần thiết, và nước duy nhất có thể là Trung Quốc”.
Hiện Tổng thống Pháp Macron đang vận động Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham gia vào tiến trình hòa bình.