Nóng trong tuần

Cách đối phó với chiêu lừa qua điện thoại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong tuần qua, thông tin công an cảnh giác về những chiêu lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc. Nhiều bạn đọc đã chia sẻ câu chuyện của mình.

Mạo danh cơ quan, công ty để lừa đảo

Gần cả tháng nay, anh Nguyễn Đức Hải (TP.HCM) thường nhận được nhiều cuộc điện thoại từ số lạ 1877149xxx yêu cầu anh trả một khoản tiền mà anh không hề hay biết.

Đầu dây bên kia xưng là tổng đài của một công ty bảo hiểm. Người này đòi anh hoàn trả số tiền gần 30 triệu đồng mà anh đã nhận nhầm trước đó. Người này cung cấp thông tin của anh Hải rất đầy đủ, chính xác về họ tên, ngày tháng năm sinh, số CCCD của anh.

Thế nhưng do anh chưa từng tham gia bảo hiểm của công ty này nên anh từ chối không trao đổi nữa thì họ dọa sẽ báo công an bắt anh.

“Vì tôi không nhận tiền của công ty bảo hiểm nào nên đã từ chối nhiều cuộc gọi như thế. Bọn người này gọi thêm mấy lần tôi không bắt máy nên thôi không gọi nữa, nhắn tin tôi không trả lời” - anh Hải chia sẻ.

Anh ĐVT (TP.HCM) thông tin khoảng một tháng trở lại đây, cứ vào giờ nghỉ trưa là có một vài số điện thoại lạ gọi anh, họ bảo họ gọi đến từ Cục CSGT và đề nghị anh cung cấp họ tên, số CCCD.

Đồng thời, người này thông báo anh T đã bị phạt vi phạm hành chính vì vượt đèn đỏ và đang bị CSGT ra quyết định xử phạt hành chính.

“Không hiểu sao bây giờ trò lừa này rộ lên như nấm vậy mà không có cơ quan chức năng nào dẹp được?” - anh T bức xúc.

Các chiêu trị lừa

Trước những chiêu trò lừa đảo qua điện thoại hay dùng mạng xã hội để đòi tiền, nhiều bạn đọc đã đưa ra một số ý kiến để tránh bị mất tiền từ kẻ gian.

Bạn đọc Ngọc Hương ý kiến: “Tôi đã đôi lần nhận được cuộc gọi lạ và bị yêu cầu cung cấp thông tin. Trước tiên, tôi yêu cầu họ cung cấp những thông tin mà họ xưng là người của cơ quan đó. Ví dụ như địa chỉ cơ quan, số điện thoại… Đồng thời, tôi yêu cầu gặp trực tiếp mới cung cấp thông tin cá nhân của mình. Thường khi nghe vậy là họ cúp máy”.

Bạn đọc Hạnh Trần bình luận: “Riêng chuyện tiền bạc, tôi không làm việc qua điện thoại. Tôi tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin gì cho các đối tượng này, không nên đôi co, giải thích vì không giải quyết được vấn đề gì cả”.

“Từng là nạn nhân kiểu khủng bố từ trên trời rớt xuống như thế này, tôi dùng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền để giảm phiền hà. Trên trang Facebook cá nhân, tôi khóa các bình luận của người lạ. Đồng thời tôi gửi đơn tố cáo tới cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng hoặc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn tỉnh để kiến nghị giải quyết hành vi quấy rối, đe dọa của công ty tài chính” - bạn đọc Thanh Trì chia sẻ kinh nghiệm.

“Khủng bố” cả công sở để đòi nợ

Anh TH (35 tuổi, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), đang công tác tại một cơ quan của TP Đà Nẵng, vô cùng bức xúc cho biết em trai có vay của Công ty Dịch vụ cho vay tiền MA 13 triệu đồng. Khi chưa kịp trả số tiền trên thì cả gia đình anh H và người quen bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm trên mạng xã hội một cách trắng trợn. Chưa kể khoản vay chỉ 13 triệu đồng nhưng họ ghi vống lên thành cả trăm triệu đồng để bôi nhọ và xúc phạm.

“Họ lấy ảnh tôi, bạn bè, đồng nghiệp, người thân và gia đình trên Facebook rồi cắt ghép làm giả thông tin “lệnh truy nã của Công an TP.HCM” gửi đi khắp nơi. Họ ghi tất cả thông tin của tôi từ họ tên, số điện thoại, địa chỉ nhà, nơi tôi công tác rồi bêu riếu khắp nơi làm gia đình tôi khủng hoảng luôn. Đây là hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của tôi. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý nghiêm những hành vi này trước pháp luật” - anh H bức xúc.

Theo anh H, do bị khủng bố liên tục từ trên mạng xã hội tới điện thoại và không muốn bị phiền phức nên anh đã phải trả tiền thay em trai.

Anh H cho biết thêm ngay trong cơ quan cũng có một trường hợp tương tự bị công ty cho vay tiền khủng bố dù người này không hề vay. “Các công ty cho vay tiền thường nhắm tới các đối tượng có người thân, quen là cán bộ, công chức, viên chức và người đang công tác tại các công ty lớn để cho vay. Sếp của tôi không liên quan mà họ cũng gọi điện thoại cả trăm cuộc đến để đòi nợ chỉ vì người thân của cấp dưới vay chưa kịp trả” - anh H nói. LÊ PHI 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm