Cách mạng tinh gọn bộ máy: Phải tìm được người tài - đức thực sự

(PLO)- Bên cạnh việc sáp nhập, hợp nhất các bộ, ngành để giảm sự cồng kềnh, chồng chéo của bộ máy thì con người là yếu tố rất quan trọng góp vào sự thành công của công cuộc tinh gọn này.

Trước hết, cần khẳng định rằng cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này là hết sức cần thiết. Việc sáp nhập, hợp nhất các bộ, ban ngành trước tiên sẽ giúp bộ máy bớt cồng kềnh, giảm được đầu mối, cấp trung gian và tinh giảm biên chế. Điều này cũng sẽ giúp chúng ta dành được thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển.

TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, đã nói như vậy trong cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM. TS Võ Đại Lược cũng là người từng làm cố vấn cho nhiều lãnh đạo đã theo đuổi công cuộc cải cách về kinh tế, về bộ máy rất nhiều năm qua.

TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

Từ đổi mới tư duy, hành động

. Phóng viên: Những kỳ vọng của ông ở cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy mà Trung ương và Tổng Bí thư Tô Lâm khởi xướng lần này là gì, thưa ông?

+ TS Võ Đại Lược: Quan sát một cách toàn diện thì cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này là kết quả của sự đổi mới tư duy, hành động của Trung ương, của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua nhiều nhiệm kỳ.

Cuộc cách mạng này cũng đang được tiến hành theo “liên hoàn kế”. Bởi thực sự Đảng và Nhà nước không chỉ tiến hành tinh gọn bộ máy mà còn sửa đổi, bổ sung nhiều luật, phân cấp, phân quyền, tận dụng tốt dư địa phát triển kinh tế. Điều đó được ủng hộ không chỉ từ nhân dân mà còn từ chính các nhà đầu tư nước ngoài, họ coi Việt Nam như một điểm đến đầu tư an toàn và triển vọng.

. Năm 2015, khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông đã bày tỏ kỳ vọng vào sự đổi mới chính trị này rất nhiều.

+ Phải nói trước thế này, chủ trương, định hướng của Đảng về tinh gọn bộ máy này đã được đặt ra từ rất lâu. Những năm qua, việc tinh gọn bộ máy từ dưới lên thông qua sáp nhập xã, huyện đã có những tác động tích cực. Chúng ta hiểu rằng điều kiện giao thông, thông tin hiện nay không còn khó khăn như trước nên việc sáp nhập này là điều tất yếu.

Các Đại biểu Quốc hội hoạt động biểu quyết thông qua luật. Ảnh: PHẠM THẮNG

Đến khẳng định vai trò người đứng đầu

. Vậy theo ông, tinh gọn bộ máy hiện nay đã đi vào “hồn cốt” hay chưa?

+ Quan sát, lắng nghe, tôi cho rằng cuộc cách mạng này là bước đầu để chúng ta tiến vào những vấn đề cốt lõi của một bộ máy nhà nước hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân, thúc đẩy sự phát triển bền vững, đưa dân tộc đến thịnh vượng. Một bộ máy nhà nước muốn vận hành hiệu quả thì vấn đề con người trong bộ máy đó vẫn là yếu tố quyết định.

Tức là đi cùng với tinh gọn bộ máy thì cần phải chọn được những người đứng đầu tài đức thực sự, nếu không công cuộc cải cách bộ máy sẽ còn gặp nhiều lực cản.

Tôi khẳng định sáp nhập các bộ, ngành như hiện nay là tốt nhưng cần đặt trọng tâm vào vấn đề nhân sự đứng đầu các bộ, ban ngành sau khi sáp nhập. Cần trả lời được các câu hỏi như sáp nhập để giảm sự cồng kềnh của bộ máy nhưng người đứng đầu các cơ quan mới là ai, có đủ tài đức, tầm nhìn chiến lược để lãnh đạo ngành tốt hay không? Nguyên lý là một cơ quan, một tổ chức có điều hành sáng suốt công vụ hay không, ngoài thể chế thì tùy thuộc rất nhiều vào người đứng đầu.

Mà muốn đạt được mục tiêu này thì như các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nói, phải chống được “chạy chọt”, xóa bỏ được cơ chế “xin - cho” trong đề bạt, bổ nhiệm và phải có tiêu chí để chọn được người tài vào hệ thống. Theo tôi, hiện nay Việt Nam chưa có một chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài một cách bài bản.

Bên cạnh việc tinh gọn bộ máy thì con người cũng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy đất nước phát triển. Tuy nhiên, để thu hút người tài thì các tiêu chí, quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm cũng cần được sửa đổi cho phù hợp. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tinh gọn bộ máy đi liền cải cách thể chế

. Trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này, số cán bộ, công chức dôi dư chắc chắn sẽ có. Theo ông, cần phải làm gì để tránh được lo ngại mà một phó chủ tịch Quốc hội đã nêu lên rằng “không khéo người cần thì ra đi còn người không cần thì ở lại”.

+ Như tôi đã nói, người đứng đầu phải thực sự tốt, có năng lực, tâm huyết thì mới ngăn chặn được. Chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng việc “xin - cho” trong nhiều lĩnh vực hiện nay vẫn còn. Có thực tế ở một số cơ quan, tổ chức do người đứng đầu chưa tốt, không có năng lực đã khiến nhiều cán bộ, công chức rời khỏi khu vực công. Do vậy, quá trình tinh gọn bộ máy phải hết sức lưu ý vấn đề này.

Thứ hai là cơ chế, chính sách cho cả người ở lại và người ra đi. Vì một người đứng đầu giỏi nhưng nếu cơ chế, chính sách không tốt thì cũng khó phát triển được tổ chức, cơ quan mình. Hoặc có cơ chế, chính sách, ngân sách rồi mà các quy định không thông thoáng cũng không phát triển được. Có những quy định yêu cầu phải lấy ý kiến sáu bộ mới giải ngân nghiên cứu khoa học được, tuy nhiên đến khi lấy ý kiến sáu bộ xong thì lại hết thời hạn.

Đây là những vấn đề phải sửa vì nhiều khi quy định ngặt nghèo sẽ khiến quá trình phát triển không được như mong đợi, không đạt được những mục tiêu tốt đẹp, chiến lược như các nghị quyết đã đặt ra.

Với những người ra đi cũng vậy, tôi nghĩ phải có chính sách thỏa đáng cho họ. Vừa rồi, quê tôi (Nam Định - PV) sáp nhập cấp xã nhiều. Tôi có gọi điện thoại hỏi han những cán bộ được tinh giản thì thấy họ nói chính sách cũng được. Tôi cho rằng điều này cần phát huy.

. Ông có thể dự báo những tác động tốt sau khi chúng ta thực hiện thành công cuộc cách mạng này?

+ Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này phải đặt trong tổng thể bối cảnh Việt Nam và nhất là yêu cầu phải tăng trưởng hai con số mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc khi trả lời chất vấn trước Quốc hội cũng như trong nhiều hội nghị gần đây.

Tinh gọn bộ máy được thực hiện song song với cải cách thể chế, sửa đổi luật pháp nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, thông thoáng… sẽ đưa Việt Nam ngày càng phát triển thịnh vượng.

. Xin cảm ơn ông.

Thể chế tốt sẽ giúp đất nước phát triển

Nói về tiêu chí xác định người tài, theo tôi, hiệu quả công việc là tiêu chí quan trọng và bao trùm nhất. Chẳng hạn, có thể xem xét những lãnh đạo trong thời gian được giao nhiệm vụ có hoàn thành tốt bằng sản phẩm cụ thể hay không, có đưa được địa phương mà mình làm bí thư, chủ tịch đạt được những kết quả tích cực từ phát triển kinh tế đến phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực hay không?

Thực tế ở Việt Nam, có những bí thư trong nhiệm kỳ đã đưa được địa phương mà mình lãnh đạo đạt được những thành tựu tốt theo các thang bậc đánh giá về hành chính, về cạnh tranh và phát triển kinh tế.

Để thu hút được người tài thì các tiêu chí, quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm cũng cần được sửa đổi cho phù hợp. Tôi từng nghiên cứu và thấy cách trọng dụng người tài của Trung Quốc đáng để chúng ta học hỏi. Chẳng hạn một Hoa kiều Mỹ về Trung Quốc làm việc sẽ được giữ nguyên lương, ngạch bậc; chế độ đãi ngộ về nhà cửa, sinh hoạt cũng rất tốt.

Hay có lần Đại sứ Canada chia sẻ với tôi rằng sau một thời gian ngắn áp dụng tuổi về hưu là 60 thì họ phải dừng lại vì thấy nếu áp dụng như vậy thì nhân tài đến độ chín có thể bị “đá” ra ngoài. Họ căn cứ vào một nghiên cứu của Mỹ cho thấy số người tài chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ/tổng dân số. Người trẻ tài năng được gọi là “người tài” cũng không nhiều.

Và khi có được người tài thì phải hết sức lắng nghe, trân trọng họ. Tôi có may mắn được thấy những vị lãnh đạo thực sự cầu thị, lắng nghe người tài. Thậm chí, ngoài những đãi ngộ cao thì họ luôn tham vấn, lắng nghe và yêu cầu cho cả cán bộ của mình được ngồi nghe các tham vấn từ những chuyên gia uy tín, tâm huyết.

Tôi cho rằng những lãnh đạo như vậy đều hiểu nguyên lý nhân tài sẽ sinh ra thể chế tốt, thể chế tốt thì đất nước sẽ phát triển, dân tộc sẽ thịnh vượng.

TS VÕ ĐẠI LƯỢC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới