“Hiện nay đang có tới 16 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) mà taxi truyền thống đang bị ràng buộc, còn Uber và Grab taxi thì không”.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu (ảnh) đã nhấn mạnh như trên khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về “cuộc chiến” giữa taxi truyền thống và Uber, Grab taxi những ngày qua.
Bỏ những chính sách kìm hãm kinh doanh
. Phóng viên: Ông nhận định gì về tương quan giữa taxi truyền thống và Uber, Grab taxi hiện nay?
+ Ông Phan Đức Hiếu: Có hai ĐKKD đánh trực tiếp vào hiệu quả kinh doanh của các hãng taxi, một là cấm đường, hai là cấm đỗ. Đơn cử quy định sau khi chở khách xong, taxi phải về bãi đỗ, trong khi đó Uber và Grab không cần như vậy. Taxi truyền thống nếu không gánh tất cả ĐKKD như vậy thì cũng có thể cạnh tranh được.
Ngoài ra, hiện chi phí hoạt động của hãng taxi rất tốn kém, từ niên hạn xe đến phù hiệu, bộ đàm, mua sóng, tập huấn lái xe. Chưa kể còn các điều kiện về BHXH, kê khai thuế, duy trì sổ sách, kiểm định đồng hồ tính cước… Chi phí cho các ĐKKD mà doanh nghiệp (DN) taxi phải tuân thủ cũng chiếm tới 20%-30% chi phí của DN.
. Các hãng taxi có nên đưa băng rôn, khẩu hiệu phản đối Uber, Grab taxi như những ngày qua?
+ Làm như thế là không đúng nhưng có lẽ họ cũng hết cách rồi. Họ đã từng kiến nghị khắp nơi về 16 quy định gây ra gánh nặng cho các hãng taxi truyền thống và đến nay chưa có thay đổi. Họ kinh doanh dù thị trường sụt giảm cũng là một câu hỏi cần đặt ra. Có lẽ trong lúc bí họ không nghĩ ra được gì hơn là dán các băng rôn, khẩu hiệu phản đối.
Theo tôi, các DN không thể cạnh tranh theo kiểu phản đối nhau. Các hãng taxi nên dành thời gian phản biện chính sách hơn là phản biện đối thủ. Trong trường hợp này Uber và Grab chẳng có lỗi gì. Bởi đơn giản họ sinh ra trong một môi trường kinh doanh như vậy và tận dụng được những lợi thế.
Điều cần làm lúc này của taxi truyền thống là nên kiên trì để đấu tranh bỏ đi những chính sách đang kìm hãm kinh doanh. Trừ khi Uber, Grab có những hành vi kinh doanh trái luật thì sẽ được xử lý theo Luật Cạnh tranh. Còn trong trường hợp này, các DN đó không có lỗi.
Thay vì dán khẩu hiệu phản đối, taxi truyền thống nên tập trung phản biện chính sách để có được môi trường cạnh tranh lành mạnh. Ảnh: HOÀNG GIANG
Cần tư duy phát triển mới
. Vẫn có nhiều người tranh cãi Uber và Grab liệu có phải là loại hình kinh doanh vận tải hay không. Bởi rõ ràng theo các quy định hiện hành thì có vẻ như vừa có vừa không...
+ Những khái niệm rất mới ấy không thể đặt trong tư duy cũ về kinh doanh vận tải. Phải có tư duy mới để xử lý cái mới phát sinh. Nếu vẫn dùng tư duy cũ về kinh doanh vận tải thì không giải quyết được vấn đề. Đúng là cần phải xác định Uber, Grab đang kinh doanh cái gì và mục tiêu quản lý của Nhà nước liệu có gây ra hệ lụy cho xã hội hay không.
Tư duy ở đây phải là tư duy phát triển. Nếu có cái mới, tạo ra môi trường kinh doanh bất bình đẳng cho những cái cũ thì cách làm không phải là gò ép cái mới vào tư duy cũ mà phải là xóa bỏ tư duy cũ để thúc đẩy sáng tạo. Hiện nay chúng ta đang dùng tư duy cũ để xử lý một vấn đề mới, như vậy vừa triệt tiêu sự sáng tạo, vừa không thúc đẩy phát triển.
. Tức là Nhà nước phải xem lại chính sách của mình trong quản lý vận tải?
+ Trong trường hợp này, Nhà nước phải thay đổi các quy định cũ để tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng. Nếu chúng ta ép Uber, Grab, một loại hình mới, vào khuôn khổ quy định với taxi cũ thì Grab, Uber sẽ thành một dạng taxi kiểu cũ, trong khi những cái mới thì luôn nảy sinh.
Bây giờ phải xóa bỏ những quy định gia tăng chi phí khi tuân thủ pháp luật, bất bình đẳng về mặt chính sách, giảm thiểu hiệu quả và cơ hội kinh doanh thì tự nhiên các DN sẽ cạnh tranh bình đẳng.
. Xin cám ơn ông.
Minh bạch số liệu để doanh nghiệp quyết định việc kinh doanh . Phóng viên:Hồi đầu tháng 10-2017, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nói rằng các địa phương tùy vào hạ tầng, quy mô và điều kiện của mình để quy định số lượng taxi. Ông nghĩ sao? + Ông Phan Đức Hiếu: Đây là tư duy “năng lực quản lý đến đâu thì mở ra đến đó”. Tư duy này đã rất cũ. Phải thay đổi năng lực quản lý của Nhà nước. Mọi chủ thể trong kinh doanh đều phải có cơ hội bằng nhau, còn thắng thua thì do thị trường và người tiêu dùng quyết định. . Nhưng có những lo ngại, cũng như nội dung băng rôn phản đối Uber, Grab nói rằng thả ra như vậy sẽ gây tắc đường? + Theo tôi, nếu lo lắng rằng có Uber, Grab taxi sẽ gây ra ùn tắc giao thông thì ta phải tư duy ngược lại. Tại sao Nhà nước không phát triển giao thông công cộng để cạnh tranh lại với Uber, Grap và các loại taxi khác, các phương tiện cá nhân. . Nhưng việc cơ sở hạ tầng giao thông không đáp ứng được nhu cầu giao thông là một thực tế, thưa ông? + Thật ra có một cách giải quyết rất thị trường, không chỉ là đấu thầu quyền kinh doanh. Đó là công bố minh bạch toàn bộ các số liệu để các chủ thể kinh doanh biết. Chẳng hạn một TP nào đó có thể công khai số lượng taxi đang hoạt động, tần suất sử dụng xe của người dân và những số liệu này luôn phải cập nhật. Nếu như vậy, các DN sẽ có đủ cơ sở để quyết định xem có nên tăng đầu xe lên không, có tham gia, đầu tư vào thị trường hay không… |