Cách ứng phó tiền điện tăng cao mùa nắng nóng

Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) khuyến cáo người dân nên áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế việc hóa đơn tiền điện tăng cao, nhất là vào mùa nắng nóng. Cụ thể, có nhiều cách thức để người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Điển hình như lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà là một trong những giải pháp tối ưu nhất hiện nay.

Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả

Đối với các giải pháp tiết kiệm điện trong sinh hoạt, EVNHCMC khuyến cáo người dân nên tạo thói quen khi sử dụng các thiết bị điện trong gia đình theo các lưu ý sau:

Tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị điện.

Tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên, tắt đèn chiếu sáng và các thiết bị điện khi không có nhu cầu sử dụng. Đồng thời, thiết kế, lắp đặt hệ thống chiếu sáng hành lang, sân vườn, khu vực làm việc theo tiêu chuẩn hiện hành.

Chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết, cài đặt chế độ làm mát từ 25°C trở lên hoặc đặt chế độ chênh lệch nhiệt độ trong phòng và nhiệt độ bên ngoài chỉ 3-5°C. Người dân nên dùng quạt thay thế điều hòa nhiệt độ khi thời tiết không quá nóng.

Khi cải tạo hoặc trang bị mới nên sử dụng phương tiện, thiết bị điện hiệu suất cao theo quy định hoặc thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng; không sử dụng bóng đèn sợi đốt trong quá trình thay thế hoặc mua mới.

Hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện lớn (điều hòa không khí, bình nước nóng, bàn là điện...) trong thời gian cao điểm tối của hệ thống điện (từ 17 giờ đến 20 giờ hằng ngày).

Lắp điện mặt trời trên mái nhà đang là lựa chọn của nhiều hộ gia đình ở TP.HCM. Ảnh: Đ.TRANG

Đối với khách hàng sử dụng điện trong sản xuất, EVNHCMC khuyến cáo các doanh nghiệp cần xây dựng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đảm bảo sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện. Bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị có công suất tiêu thụ điện lớn như các máy nghiền, trạm bơm nước, máy nén khí... vào giờ cao điểm, hạn chế tối đa các thiết bị điện hoạt động không tải.

Ngoài ra, khách hàng cần tăng cường sử dụng các thiết bị điện được dán nhãn năng lượng hiệu suất cao; khuyến khích sử dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo như: năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, rác,... Đồng thời nên sử dụng hệ thống dự trữ năng lượng ở giờ thấp điểm để sử dụng vào giờ cao điểm; sử dụng các dịch vụ tiết kiệm năng lượng do các công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) cung cấp. Các doanh nghiệp là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ cần thực hiện đầy đủ các quy định tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản hướng dẫn.

Lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà

Theo EVNHCMC, điện mặt trời trên mái nhà hiện đang là lựa chọn của nhiều hộ gia đình tại TP.HCM. Cụ thể, tính đến hết tháng 1-2020 đã có 5.857 công trình được nối lưới với công suất đạt 75,84 MWp. Dự kiến trong năm 2020, EVNHCMC thực hiện ký hợp đồng mua bán điện mặt trời của khách hàng với công suất khoảng 300 MWp.

Theo đó, EVNHCMC khuyến khích khách hàng nên lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để tiết kiệm chi phí, giảm thiểu mất điện khi lưới có sự cố, góp phần cung cấp điện ổn định cho sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều nhà cung cấp hệ thống điện mặt trời áp mái với chi phí lắp đặt hợp lý. Ví dụ, hệ thống điện mặt trời áp mái cho hộ gia đình có công suất lắp đặt 2-5 kWp (6-7 m2/1kWp). Số tiền đầu tư cho hệ thống này sẽ dao động trên dưới 20 triệu/kWp, giảm nhiều so với vài năm trước đây, thời gian bảo hành trên 25 năm.

Sau khi hoàn thiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, khách hàng liên hệ với các Công ty Điện lực hoặc tổng đài 1900545454 để thực hiện các thủ tục ký hợp đồng bán lại sản lượng điện dư phát ngược lên lưới cho EVNHCMC.

Cuối năm 2019, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xem xét tạm dừng việc đề xuất, thỏa thuận các dự án điện mặt trời theo cơ chế giá FIT cho tới khi có hướng dẫn mới của cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, đến ngày 7-1-2020, Bộ Công Thương đã có văn bản chấp thuận cho EVN tiếp tục nhận và giải quyết các yêu cầu mua bán điện từ các dự án điện mặt trời trên mái nhà.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN phải thông báo rõ với các khách hàng khi thực hiện đầu tư phải tự chịu rủi ro về sự thay đổi (nếu có) so với đề xuất điện mặt trời trên mái nhà. Quy định này có trong dự thảo về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam áp dụng sau ngày 1-7-2019. Do vậy, EVNHCMC đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục nhận và giải quyết các yêu cầu bán điện từ dự án điện mặt trời trên mái nhà của khách hàng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm