Cách xử trí khi trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú nhiễm COVID-19

Trong livestream chia sẻ về cách chăm sóc trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú khi họ bị nhiễm COVID-19, BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) nhấn mạnh: Người nhà cần xác định rõ đối tượng nguy cơ, không được hốt hoảng và quá lo lắng.
Khi trẻ em nhiễm COVID-19
Theo BS Trương Hữu Khanh, trẻ em là đối tượng dễ bị lây nhiễm COVID-19 trong khu phong tỏa do trẻ hiếu động, hay chạy ra ngoài chơi, dễ tiếp xúc với nguồn bệnh. Do vậy, người lớn phải chú ý chăm sóc, nhắc nhở trẻ em thường xuyên.
Tỉ lệ trẻ em bị nhiễm COVID-19 so với người lớn không nhiều, chỉ dưới 10%, thậm chí 5%. Khi trong nhà có người nhiễm, trẻ em cũng được quan tâm và lo lắng nhất. May mắn tới hiện tại, trẻ em bị nhiễm COVID-19 nhẹ và nhanh khỏi hơn người lớn. Những trường hợp nặng là trẻ thường xuyên bị bệnh, chậm phát triển, quá thừa cân (trẻ dưới 10 tuổi cân nặng 70 - 80kg).
Khi trong nhà có trẻ bị nhiễm COVID-19, cha mẹ cần phải bình tĩnh, không hoảng loạn và xác định trẻ có thuộc các đối tượng nguy cơ đã nêu trên hay không. Nếu không, hãy chờ đợi trẻ hết bệnh vì quá trình này rất nhanh. Nhiều trẻ không có biểu hiện bệnh, vẫn vui chơi bình thường hoặc chỉ sốt một ngày.

Cách chăm sóc khi trẻ bị sốt, ho, tiêu chảy: Cho trẻ uống thuốc như bình thường.

- Khi bị sốt: uống paracetamol theo đúng liều lượng

- Khi bị ho: uống thuốc ho trẻ em như: thảo dược, siro, ích nhi,... Trẻ từ 2 tuổi trở lên có thể uống thuốc ho tân dược.

- Đối với trẻ em bị những bệnh khác đều có thể uống thuốc điều trị như bình thường, không cần ngưng thuốc.

- Trẻ em nhiễm COVID-19 dễ bị tiêu chảy, ở mức độ nhẹ. Người lớn hãy chuẩn bị thuốc tiêu chảy ở nhà.

Tỉ lệ trẻ em bị viêm phổi do nhiễm COVID-19 ít hơn người lớn. Tuy nhiên, những đối tượng có nguy cơ có thể sẽ bị viêm phổi. Người lớn đưa trẻ tới bệnh viện khi thấy trẻ có các biểu hiện như thở nhanh, thở rút lõm (khi hít vào ngực của trẻ bị lõm vào thay vì nâng lên như bình thường).
BS Khanh cho rằng nên chăm sóc trẻ nhiễm COVID-19 ở nhà vì đây là đối tượng bị ảnh hưởng nhẹ. Để tránh lây nhiễm, người lớn phải chăm sóc trẻ như cách chăm sóc F0 tại nhà, dạy trẻ cách đeo khẩu trang, kiểm soát được việc tiếp xúc của trẻ, cho trẻ sinh hoạt riêng, ăn riêng, ngủ riêng, đi toilet riêng.
Khi quá lo lắng, người lớn dễ nhầm sốt xuất huyết với nhiễm COVID-19. Nếu sau 3 ngày trẻ vẫn bị sốt cao, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc xét nghiệm để có kết quả chính xác. Về việc sử dụng máy lạnh, cũng có thể bật ở mức 26-27 độ C cho trẻ ở trong phòng riêng để dễ ngủ. Đến ngày thứ 7, thứ 10, người lớn cần test nhanh cho trẻ để biết khi nào trẻ khỏi bệnh, được sinh hoạt chung với gia đình.
Làm gì khi phụ nữ mang thai, cho con bú "dính" COVID-19?
Về việc chích vaccine ngừa COVID-19 cho phụ nữ mang thai, BS Khanh nhấn mạnh đa số phụ nữ mang thai được chích ngừa đều có sức khỏe ổn định. Mọi người thường lo lắng chích vaaccine sẽ ảnh hưởng đến thai nhi và bà bầu sẽ bị "hành", nhưng thực tế chưa ghi nhận trường hợp nào như vậy. Sau chích vaccine, nếu bị sốt họ vẫn có thể uống hạ sốt như bình thường.
Phụ nữ mang thai là đối tượng bị giảm khả năng miễn dịch và có nhu cầu năng lượng cao. Do vậy, phụ nữ mang thai trên 30 tuổi nhiễm COVID-19 rất có nguy cơ bị viêm phổi, có khả năng sinh non và suy dinh dưỡng bào thai.
Khi bị nhiễm COVID-19, phụ nữ mang thai cũng phải tập thở đúng. Không nên uống quá nhiều nước, ăn uống đủ chất (nhiều hơn bình thường vì phải cung cấp dinh dưỡng cho bào thai) và chú ý cách nằm. Họ cũng cần liên hệ với BS khoa sản đã khám bệnh cho mình để tiện theo dõi và được tư vấn thêm.
Đặc biệt, việc ho có thể làm phụ nữ mang thai khó chịu vì bụng lớn. Do vậy, người nhà nên tìm thuốc ho thảo dược, nhữn bài thuốc dân gian giúp ngủ ngon. "Phụ nữ mang thai phải ngủ đủ, uống nước đủ, ăn đủ, vận động điều hòa thì sức khỏe mới ổn định" - BS Khanh nói.
Tại Việt Nam, sau khi sản phụ nhiễm COVID-19 chuyển dạ, trẻ sẽ được theo dõi và nắm tình trạng sức khỏe sau đó gửi về nhà. Tuy nhiên, việc này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người mẹ, dẫn đến việc khó chữa bệnh hơn. BS Khanh cũng đưa ra dự đoán trong tương lai người mẹ nhiễm COVID-19 sau sinh sẽ được chăm sóc con, nhưng điều này còn phụ thuộc vào hướng dẫn của từng quốc gia.

Ngậm nước muối và những loại nước pha sẵn để làm sạch họng sao cho đúng?

Nước muối quá mặn ảnh hưởng tới họng, do đó không nên lạm dụng các loại nước pha sẵn vì nó dễ gây khô miệng. Tần suất ngậm nước muối nên dưới 3 lần/ngày. Đã có nhiều trường hợp ngậm nhiều nước muối đến trầy họng, ho ra máu...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới