Cải cách tư pháp: Kỳ vọng từ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
Ở vai trò trưởng ban Chỉ đạo (BCĐ) cải cách tư pháp trung ương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có khởi động đầu tiên bằng việc chủ trì liên tiếp hai cuộc làm việc.
Cuộc đầu tiên, ngày 28-4, ông cùng Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó ban thường trực BCĐ cải cách tư pháp trung ương, họp riêng với lãnh đạo Đại học (ĐH) Luật Hà Nội, ĐH Luật TP.HCM và Học viện Tư pháp. Cuộc làm việc này cung cấp cho Chủ tịch nước nhiều thông tin để bước vào cuộc làm việc thứ hai, sáng 29-4, phiên họp thứ 12 của BCĐ cải cách tư pháp trung ương.
Lắng nghe, thấu hiểu
Tại cuộc họp đầu tiên, lãnh đạo hai ĐH Luật đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, mà theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp là cần “xây dựng Trường ĐH Luật Hà Nội và ĐH Luật TP.HCM thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp. Ảnh: VGP
Trong rất nhiều cơ sở đào tạo hình thành sau năm 2005, trước áp lực cạnh tranh của thị trường giáo dục ĐH, hai ĐH Luật ở hai đầu đất nước vẫn kiên trì, khẳng định vị trí quan trọng của mình trong đào tạo luật học của nước nhà. Bằng bề dày kinh nghiệm cùng truyền thống lâu năm, với nguồn nhân lực giảng dạy mạnh nhất cả nước luôn được bồi đắp, hai ĐH Luật đã giữ được vị trí “trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” như yêu cầu của Nghị quyết 49.
Tuy nhiên, lãnh đạo hai trường cũng nhận thấy những hạn chế, tồn tại trong hoạt động của mình. Chẳng hạn, việc mở rộng quy mô đào tạo chưa đạt mục tiêu đề ra; chất lượng đào tạo chưa có chuyển biến mang tính đột phá so với yêu cầu; hoạt động nghiên cứu khoa học chưa có tính ứng dụng cao…
Ở vị trí đầu đàn của hệ thống cơ sở đào tạo luật cả nước, một số bất cập khác cũng được lãnh đạo hai ĐH Luật mạnh dạn bày tỏ với Chủ tịch nước, Trưởng BCĐ cải cách tư pháp trung ương. Trong đó, lo ngại đến từ cách thức tổ chức đào tạo cử nhân luật ở Học viện Tòa án cũng như cách thức tuyển dụng “ưu tiên người nhà” của ngành tòa án, mà báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh mấy ngày qua, cũng được lãnh đạo hai ĐH Luật và cả Học viện Tư pháp đề cập tới.
Từ cuộc họp riêng, lắng nghe, tạo điều kiện để các đơn vị liên quan trực tiếp có cơ hội bày tỏ, “nói hết” này, sang ngày làm việc tiếp theo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp thứ 12 của BCĐ cải cách tư pháp trung ương, tính theo nhiệm kỳ 2016-2021.
Vai trò của hai ĐH Luật và Học viện Tư pháp
Đây là cuộc họp đầu tiên của BCĐ do Trưởng ban - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Tại cuộc họp, Ban Nội chính trung ương đã nêu ý kiến thẩm tra các báo cáo tổng kết việc thực hiện Quyết định 549/QĐ-TTg, tháng 4-2013 phê duyệt đề án “Xây dựng Trường ĐH Luật Hà Nội, ĐH Luật TP.HCM thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”. Cùng với đó là tổng kết việc thực hiện Quyết định 2083/QĐ-TTg, tháng 11-2013 phê duyệt đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” và đề án mới “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật”.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng BCĐ cải cách tư pháp trung ương, đánh giá cao nhiều kết quả tích cực của Học viện Tư pháp và hai ĐH Luật Hà Nội, TP.HCM. Qua đó thể hiện sự nỗ lực, cố gắng, khát vọng vươn lên của cả ba cơ sở đào tạo, xây dựng được thương hiệu, uy tín trong dạy luật nói chung và bồi dưỡng nghề các chức danh tư pháp nói riêng.
Tại cuộc họp BCĐ, những vướng mắc do thay đổi mô hình từ tập trung một đầu mối dạy nghề các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 08, Nghị quyết 49 không được nêu chi tiết như cuộc làm việc trước đó nhưng Chủ tịch nước cũng chỉ ra một số hạn chế, bất cập. Đó là một số chức danh tư pháp chưa được đặt vấn đề đào tạo; vấn đề đạo đức, phẩm chất các chức danh tư pháp chưa thực sự được quan tâm đúng mức trong quá trình đào tạo…
Tán thành ý kiến của các thành viên BCĐ về việc cần tiếp tục chú trọng thực hiện hai đề án này, Chủ tịch nước đặt ra yêu cầu về đổi mới, sáng tạo, nỗ lực vươn lên đối với các cơ sở đào tạo. Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ngành liên quan đề xuất các mục tiêu cụ thể đối với từng đề án sao cho phù hợp với tình hình mới, bối cảnh mới.
Cùng dự phiên họp thứ 12 của BCĐ cải cách tư pháp trung ương có các ủy viên Bộ Chính trị, thành viên BCĐ cải cách tư pháp trung ương. Đó là ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ; ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao; ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an. Dự phiên họp còn có các thành viên BCĐ, lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương.
Theo đó, Chủ tịch nước yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện, bổ sung đối với hai đề án “Xây dựng Trường ĐH Luật Hà Nội và ĐH Luật TP.HCM thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật”, “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”.
Chủ tịch nước nhấn mạnh chủ trương chung là Đảng, Nhà nước đảm bảo các nguồn lực cho hoạt động đào tạo pháp luật, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Do đó, quan điểm định hướng là tiếp tục xây dựng hai trường ĐH Luật Hà Nội và ĐH Luật TP.HCM thành các cơ sở trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật; xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp của cả nước và phục vụ tốt hơn các nhu cầu của xã hội.
Ba câu hỏi với Bộ GD&ĐT
Về tình hình hoạt động của 93 cơ sở đào tạo luật bậc ĐH và hai cơ sở đào tạo luật sau ĐH, báo cáo của Bộ GD&ĐT và ý kiến các thành viên BCĐ đều thống nhất nhận định là số lượng quá nhiều trong khi chất lượng dạy và học chưa đáp ứng yêu cầu. Điều này có thể thấy qua việc mới chỉ có 62/93 cơ sở đào tạo cử nhân luật được kiểm định, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đáng chú ý, các trường đã xây dựng gần 200 chương trình đào tạo cho các chuyên ngành luật khác nhau nhưng tổng cộng mới có năm chương trình được kiểm định đáp ứng yêu cầu.
Năm 2019, khi tổng kết thực hiện Nghị quyết 49, Ban cán sự đảng Chính phủ đã đặt vấn đề cần: (1) Rà soát, sắp xếp lại các cơ sở đào tạo luật trong cả nước, lấy kết quả chất lượng đầu ra làm mục tiêu; (2) Siết chặt công tác đào tạo luật, có cơ chế kiểm soát, đánh giá chất lượng, thu gọn đầu mối đào tạo, chỉ duy trì các cơ sở đủ năng lực, uy tín.
Thảo luận về đề án của Bộ GD&ĐT, các ý kiến BCĐ đều đề nghị cần làm rõ hơn các giải pháp kiểm soát chất lượng đào tạo luật. Đồng tình với nhận định này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói:
“Bộ cần trả lời câu hỏi khi nào sắp xếp cơ bản lại đối với 95 cơ sở đào tạo luật. Cần dừng hoạt động hoặc không cho tuyển sinh thêm với các cơ sở không đáp ứng các tiêu chí cần thiết. Bộ cũng cần trả lời câu hỏi khi nào ban hành các chuẩn đầu vào, chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, giáo án, giáo trình. Đây là các chuẩn tối thiểu và cũng cần trả lời câu hỏi trong số 95 cơ sở đào tạo luật ấy có bao nhiêu cơ sở phải đóng cửa do không đạt yêu cầu”.
Các báo cáo được thảo luận trong phiên họp BCĐ cải cách tư pháp đầu tiên do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì mới chỉ tập trung một phần thuộc nhiệm vụ “xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh” mà Nghị quyết 49 đề ra. Còn rất nhiều công việc, nhiệm vụ, giải pháp khác mà Chiến lược cải cách tư pháp đặt ra từ 16 năm trước, đến nay vẫn còn dang dở. Điều đó đang đặt ra kỳ vọng rất lớn vào Chủ tịch nước - Trưởng BCĐ cải cách tư pháp trung ương Nguyễn Xuân Phúc.
93 cơ sở đào tạo cử nhân luật
Ngược dòng lịch sử, vì nhiều lý do mà ở miền Bắc, trong hoàn cảnh chiến tranh chưa quan tâm tới đào tạo luật học. Năm 1976, Khoa pháp lý thuộc ĐH Tổng hợp Hà Nội được thành lập. Đây là cơ sở đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất đào tạo luật ở bậc ĐH.
Đến năm 1979, trên cơ sở thống nhất Khoa pháp lý ĐH Tổng hợp với cơ sở đào tạo pháp lý khác, ĐH Pháp lý Hà Nội - trường ĐH chuyên về luật đầu tiên được ra đời.
Từ những cơ sở đào tạo cử nhân luật đầu tiên ấy, đến thời điểm 2005, khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 49, cả nước có chín cơ sở đào tạo luật học bậc cử nhân và đến tháng 12-2020, số lượng cơ sở đào tạo cử nhân luật đã lên tới con số 93.
Sinh sau đẻ muộn trong số này có lẽ là Học viện Tòa án - được TAND Tối cao nâng lên từ Trường Cán bộ tòa án và ĐH Kiểm sát - được VKSND Tối cao nâng lên từ Trường Cán bộ kiểm sát, đều vào khoảng năm 2012.