Cải thiện công tác cán bộ để phòng chống tham nhũng, tiêu cực

(PLO)- Đại biểu Quốc hội cho rằng cần có thay đổi mang tính đột phá về chính sách cán bộ thì mới giải quyết được căn cơ tình trạng tham nhũng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-9 đã diễn ra phiên họp toàn thể lần thứ bảy của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (QH) nhằm thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2022.

Tội phạm tham nhũng, chức vụ tăng hơn 33%

Báo cáo của Chính phủ đánh giá năm 2022, công tác PCTN luôn được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, với quyết tâm chính trị rất cao.

Cơ quan điều tra trong công an nhân dân đã thụ lý điều tra gần 640 vụ án, với 1.366 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới gần 390 vụ, gần 850 bị can (tăng 107 vụ, 311 bị can so với cùng kỳ năm trước).

Ủy viên Ủy ban Tư pháp Trương Trọng Nghĩa (trái) và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn - PHẠM THÀNH

Ủy viên Ủy ban Tư pháp Trương Trọng Nghĩa (trái) và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn - PHẠM THÀNH

Phát biểu sau đó, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Dương Khắc Mai (đại biểu QH tỉnh Đắk Nông) dẫn số liệu tội phạm về tham nhũng và chức vụ tăng hơn 33%; tội phạm lạm dụng chức vụ, quyền hạn tăng gần 70%. “Đây là vấn đề rất đáng quan tâm, rất đáng suy nghĩ” - ông Mai nói và đặt vấn đề: “Chúng ta quyết liệt đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà loại tội phạm này tăng thì đây có phải là “xu hướng” không?”.

“Đã xử lý nhiều mà vẫn phát sinh thế này thì phải quay lại xem từ khâu bố trí cán bộ đến cơ chế, chính sách” - đại biểu QH tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh.

Xem xét lại công tác cán bộ

Ủy viên Ủy ban Tư pháp Trương Trọng Nghĩa (đại biểu QH TP.HCM) nêu việc công chức nhà nước nhận hoa hồng lót tay của doanh nghiệp, người dân để nâng giá, mua hàng giá cao bằng tiền ngân sách hoặc bỏ qua, làm ngơ các vi phạm, tội phạm.

“Phải chăng tình trạng này tồn tại lâu rồi và khá phổ biến ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực? Cho đến khi xảy ra vụ Việt Á hay Cục Lãnh sự, FLC, Tân Hoàng Minh... nó mới bộc lộ “phần nổi của tảng băng” vì khi đạt đến quy mô quá lớn và quá trắng trợn thì không che giấu được” - ông Nghĩa nói.

Luật sư Nghĩa cũng bày tỏ đau xót khi vừa qua hàng ngàn cán bộ công chức trung cấp, cao cấp bị khai trừ Đảng, bị xét xử.

“Với tính chất đặc biệt của tội phạm, chúng ta cần phải nêu ra chứ không chỉ có con số tăng hay giảm” - ông Nghĩa nói và nhìn nhận quy trình tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ rất chặt chẽ, thử thách trong thời gian dài nhưng sau đó một bộ phận trong số này thành tội phạm.

Vị luật sư đến từ TP.HCM so sánh hình ảnh hàng ngàn vụ móc túi, trộm cắp cũng nguy hại nhưng có khi không nguy hiểm, thiệt hại lớn bằng các vụ Việt Á, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao… vì những sự việc này làm ảnh hưởng đến niềm tin vào Đảng, Nhà nước.

Cũng theo luật sư Nghĩa, cần có thay đổi mang tính đột phá về phương pháp, chính sách trong công tác cán bộ. “Những người dày dạn công tác mấy chục năm đưa lên vị trí rất cao rồi cuối cùng lại phải ra trước vành móng ngựa thì công tác cán bộ phải xem xét lại. Từ phòng chống tội phạm tham nhũng, chúng ta phải đề xuất chính sách cán bộ thì mới giải quyết được căn cơ” - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng

Nêu ý kiến thẩm tra bước đầu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường lưu ý tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng. Nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán… xảy ra ở cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước.

Đặc biệt, tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực như BHXH, bảo hiểm y tế, quản lý thuế, hải quan…

Còn nhóm nghiên cứu thì nêu ra tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ PCTN tiếp tục diễn biến phức tạp.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam Trần Công Phàm (đại biểu QH tỉnh Bình Dương) bày tỏ băn khoăn: “Chúng ta phấn đấu để các đối tượng “không dám, không thể, không cần, không muốn” tham nhũng nhưng thực tế gần đây cho thấy họ vẫn dám, họ vẫn có thể tham nhũng trong lúc khó khăn”.

Tiếp theo, ông Phàm đặt vấn đề: “Chúng ta đã chú ý đến yếu tố phòng chưa, hay mới dừng ở quyết tâm chống? Chúng ta phấn khởi vì đã đưa được nhiều vụ ra ánh sáng nhưng cái phấn khởi này đã bền vững chưa?”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm