Ngày 18-11, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết hệ thống đối thoại doanh nghiệp- chính quyền TP.HCM.
Tại hội nghị, Sở TT&TT TP.HCM cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP đã cho ra mắt hệ thống đối thống đối thoại phiên bản tiếng Anh.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan trò chuyện với đại diện các doanh nghiệp tại TP.HCM. Ảnh: THANH THÙY |
Mỗi năm trả lời 2.000 câu hỏi của doanh nghiệp
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP (ITPC), đánh giá sự tin tưởng và gắn bó của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trên địa bàn TP.HCM đối với hệ thống đối thoại đã được duy trì trong suốt 20 năm qua.
Đến tháng 10-2022, hệ thống hiện đã có 4.708 doanh nghiệp, hiệp hội đăng ký tham gia với hơn 300 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; đã nhận và trả lời hơn 20.550 câu hỏi qua mạng. Bình quân mỗi năm, hệ thống giải đáp hơn 2.000 câu hỏi liên quan đến nhiều lĩnh vực từ các hiệp hội, doanh nghiệp.
Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc ITPC phát biểu tại hội nghị. Ảnh: THANH THÙY |
Phó Giám đốc ITPC chia sẻ việc tăng cường tham vấn giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp góp phần xây dựng và thực thi các chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp một cách hiệu quả. Nhiều khó khăn của doanh nghiệp đã tháo gỡ, giúp cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Lãnh đạo ITPC đặt mục tiêu, giai đoạn 2022 - 2025 sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan với mục tiêu trở thành một trong các kênh đối thoại của TP được doanh nghiệp trong và nước ngoài trên địa bàn TP.HCM tin cậy.
Từng giữ vai trò Giám đốc của hệ thống thời điểm mới thành lập, LS Trương Trọng Nghĩa nhắc lại bối cảnh 20 năm trước, lãnh đạo TP nhận rõ một nhược điểm của môi trường đầu tư ở Việt Nam là khoảng cách giữa doanh nghiệp và chính quyền khá lớn nên đã xây dựng hệ thống này.
LS Trương Trọng Nghĩa nhắc lại bối cảnh thành lập hệ thống đối thoại 20 năm trước. Ảnh: THANH THÙY |
Theo LS Nghĩa, 20 năm qua, khoảng cách giữa doanh nghiệp và chính quyền vẫn còn. Với tốc độ phát triển như hiện nay, khoảng cách đó càng phức tạp hơn, nhu cầu về thông tin, thủ tục hành chính… ngày càng tăng. Ông cho rằng chính quyền TP cần tương tác nhiều hơn với doanh nghiệp và sự tương tác đó phải cụ thể, chính xác, phải nhanh hơn nữa.
Trong bối cảnh TP.HCM đang hướng đến xây dựng một TP thông minh, chính quyền số hóa, nền kinh tế số hóa, LS Nghĩa gợi mở cần tổ chức các thông tin tiếp nhận từ hệ thống thành một hệ dữ liệu chung để doanh nghiệp có thể truy cập, sử dụng.
Tại hội nghị, các hiệp hội các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã có đặt hàng cho chính quyền TP về chính sách pháp luật, quy hoạch, xây dựng và hệ thống pháp luật, giải pháp thực thi pháp luật, giải pháp phát huy hệ thống đối thoại…
Phải hành động chứ không chỉ đối thoại
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chia sẻ, đúng ngày này 20 năm trước (18-11-2002), hệ thống đối thoại của doanh nghiệp- chính quyền TP.HCM đã ra đời.
Đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự hội nghị. Ảnh: THANH THÙY |
Ông Hoan cho hay hệ thống đã được “20 tuổi”, cũng đã thể hiện được sức trẻ, sự năng động, nhiều năng lượng và khát khao muốn vươn lên để phục vụ tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp.
Đánh giá cao hiệu quả trong 20 năm hoạt động của hệ thống, ông Hoan cho rằng có bốn thành công cần được ghi nhận và phát huy.
Theo đó, TP.HCM đã tiên phong đi đầu xây dựng một mô hình đối thoại, ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức đối thoại để sau đó nhân rộng ra khắp cả nước. Dù ở hoàn cảnh thế nào, qua 20 năm với nhiều thay đổi về cơ chế chính sách, điều kiện trong và ngoài nước nhưng hệ thống vẫn được duy trì liên tục, thường xuyên cải tiến và ngày càng mở rộng.
Ông cũng khẳng định, với việc xây dựng hệ thống này, TP đã cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp. Theo ông, đây là giá trị cốt lõi, cơ bản nhất của việc xây dựng môi trường đầu tư và khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp tại TP ngày càng lớn mạnh, kinh tế TP ngày càng tăng trưởng.
“Đây là chặng đường đầu tiên của hệ thống, là nền tảng, cơ sở đến phát triển hệ thống trong giai đoạn tới” - ông Hoan khẳng định.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành cam kết với cộng đồng doanh nghiệp rằng TP xem doanh nghiệp như một đối tượng phải phục vụ. Ảnh: THANH THÙY |
Ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh, để hệ thống hoạt động hiệu quả, phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi mới, có sự kết nối thực chất hơn, cần phải làm mới hơn những gì đã làm được.
Ông cũng yêu cầu cán bộ công chức, cán bộ quản lý nhà nước phải luôn hành động khi thực hiện nhiệm vụ của mình trong hoạt động quản lý; phải xem doanh nghiệp vừa là chủ thể, vừa là đối tượng phục vụ của hệ thống đối thoại.
"Doanh nghiệp cần, chúng ta phải lên tiếng - doanh nghiệp lên tiếng, chúng ta phải trả lời chứ không phải làm theo kiểu chính quyền muốn" - ông Hoan nhìn nhận.
Đại diện lãnh đạo TP, ông Hoan cam kết với cộng đồng doanh nghiệp rằng TP xem doanh nghiệp như một đối tượng phải phục vụ. Bởi, sự thành công của doanh nghiệp trên địa bàn TP này suy cho cùng cũng góp phần vào sự thành công trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế- xã hội của TP.
“Chúng ta phải làm cho quyết liệt, chứ đừng có kiểu muốn thì làm, không thì thôi” - ông Hoan nói.
Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị sở, ngành TP cũng cần quan tâm giải quyết những vấn đề doanh nghiệp cần. Đặc biệt, không chỉ giải quyết các vấn đề về pháp lý mà phải gồm cả vấn đề phát sinh từ thực tiễn; đi sâu giải quyết vấn đề cụ thể của từng doanh nghiệp một cách thấu tình đạt lý, không để doanh nghiệp mất niềm tin; chia sẻ những vấn đề chung mà cộng đồng doanh nghiệp và các quốc gia quan tâm.
Ông Hoan cũng yêu cầu lãnh đạo sở, ngành TP không chỉ biết lắng nghe mà còn phải biết hành động, hành động cho nhanh, trả lời nhanh để tạo sự yên tâm của doanh nghiệp.
Lãnh đạo TP và đại diện các doanh nghiệp cùng chứng kiến sự phát triển của hệ thống đối thoại bằng việc đẩy mạnh tiếng Anh vào hệ thống. Ảnh: THANH THÙY |
Cuối cùng, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan nhấn mạnh, hệ thống đối thoại chỉ là khâu đầu tiên. Để hệ thống hoạt động thực sự có hiệu quả, là công cụ của các doanh nghiệp và chính quyền TP thì phải làm đến tận cùng, có chiều sâu.
"Không chỉ 'đối thoại- đối thoại- đối thoại' mà phải kết hợp 'lắng nghe- đối thoại- hành động', giải quyết vấn đề từ cái chung đến vấn đề cụ thể, bám sát thực tiễn để việc hỗ trợ doanh nghiệp ở mức tốt nhất có thể" - ông Hoan nói thêm và yêu cầu sở, ngành đa dạng hóa hình thức đối thoại với doanh nghiệp để tiếp cận nhanh chóng các ý kiến mà họ phản ánh.