Bộ Công an đang lấy ý kiến cho dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 144/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo dự thảo, tại khoản 4 Điều 10, Bộ Công an đã bổ sung quy định về xử phạt đối với hành vi thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố thẻ căn cước, mức phạt 4-6 triệu đồng.
Từ ngày 1-7 thẻ căn cước được ban hành, về bản chất nó chỉ là sự thay đổi tên gọi của thẻ CCCD. Do đó, việc cầm cố thẻ căn cước cũng là hành vi bị nghiêm cấm giống như CMND hay CCCD.
Thượng tá NGUYỄN NGỌC HẢI, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM
Luật sư Đỗ Trúc Lâm, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết khoản 7 Điều 7 Luật Căn cước năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2024) quy định các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước, sử dụng thẻ căn cước giả, căn cước điện tử giả, giấy chứng nhận căn cước giả.
Đối với thẻ CCCD và CMND cũng áp dụng quy định về các hành vi bị nghiêm cấm tương tự trường hợp thẻ căn cước nêu trên.
Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 5 Luật Căn cước năm 2023 quy định công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch có nghĩa vụ: Xuất trình thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước hoặc cung cấp số định danh cá nhân khi người có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Như vậy, việc thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố thẻ căn cước là hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Mức xử phạt hành vi thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố thẻ căn cước cũng như mức xử phạt đối với hành vi thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân quy định tại khoản 4 Điều 10 Nghị định 144/2021 (hướng dẫn xử phạt các hành vi vi phạm theo Luật Căn cước công dân 2014).
Đồng thời, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
Lưu ý, theo quy định trên, cả bên cầm cố và bên nhận cầm cố đều bị xử phạt vi phạm hành chính. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 144/2021 bổ sung xử phạt đối với các hành vi về cấp, quản lý, sử dụng thẻ Căn cước cho phù hợp với quy định mới tại Luật Căn cước năm 2023; các hành vi vi phạm về cấp, quản lý định danh và xác thực điện tử, sử dụng ứng dụng định danh và xác thực điện tử cho phù hợp với quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử…
Đồng thời bãi bỏ quy định xử phạt đối với các hành vi liên quan đến việc xuất trình và sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú cho phù hợp với quy định tại Luật Cư trú và các nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc xuất trình các giấy tờ liên quan đến cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính; các hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng đồ chơi nguy hiểm bị cấm; hành vi “Cơ sở lưu trú cho người nước ngoài tạm trú qua đêm nhưng không khai báo tạm trú hoặc không cập nhật thông tin khai báo tạm trú theo quy định; người nước ngoài không cung cấp hoặc cung cấp thông tin sai sự thật cho cơ sở lưu trú để thực hiện khai báo tạm trú theo quy định của pháp luật” quy định tại điểm i khoản 3 Điều 18 vì đã được quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 9.