Cấm đánh bắt cá, Trung Quốc lại tiếp tục gây bất ổn Biển Đông
Ngày 27-4, Tân Hoa xã dẫn thông báo của lực lượng hải cảnh Trung Quốc (TQ) tuyên bố giới chức nước này vừa ra lệnh cấm đánh bắt hải sản tại nhiều khu vực Biển Đông cùng một số khu vực biển khác như Bột Hải, Hoàng Hải và Hoa Đông từ ngày 1-5 đến ngày 16-9.
Thông báo nhấn mạnh hải cảnh sẽ là lực lượng nòng cốt, phối hợp với các cơ quan khác của TQ tăng cường tuần tra để đảm bảo lệnh cấm này được thực thi. Theo chuyên gia Luật Biển quốc tế Hoàng Việt (ĐH Luật TP.HCM), tình hình năm nay có thể sẽ đặc biệt căng thẳng trong bối cảnh TQ hồi đầu năm vừa ban hành luật hải cảnh mới.
TQ lâu nay thậm chí còn không cần luật hải cảnh để thực hiện các vụ va chạm, nay đã thông qua rồi thì họ càng có cái để hợp thực hóa những hành động của họ. Cái đích của TQ là muốn tạo một cơ sở pháp lý riêng, dù cho cơ sở đó đi ngược hoàn toàn so với luật pháp quốc tế. Chuyên gia HOÀNG VIỆT, ĐH Luật TP.HCM
Kéo dài thời hạn cấm đánh bắt mỗi năm, TQ muốn gì?
. Phóng viên: Theo ông, mục đích sâu nhất, cao nhất của TQ khi năm nào cũng duy trì lệnh cấm đánh bắt cá nói trên là gì?
+ Chuyên gia Hoàng Việt: Thứ nhất, chúng ta phải thấy rằng TQ tuyên bố lệnh đánh bắt cá này từ rất lâu, từ năm 1999 cho tới nay. Tuy nhiên, ở mỗi thời điểm khác nhau thì lệnh này có những khác biệt nhất định. Từ năm 2019 trở về trước thì TQ cũng chỉ ra lệnh cấm đánh bắt cá vào ngày 15-5 hằng năm cho đến khoảng trung tuần tháng 6 - tức khoảng một tháng là hết. Trong khi đó, vào năm ngoái, TQ lại bất ngờ kéo dài lệnh cấm từ ngày 1-5 đến giữa tháng 8 và năm nay lệnh cấm bắt đầu từ ngày 1-5 đến giữa tháng 9. Rõ ràng việc TQ kéo dài thời hạn cấm đánh bắt cá là vấn đề mà chúng ta phải hết sức lưu ý.
Thứ hai, trong bối cảnh hiện nay thì lệnh cấm đánh bắt cá của TQ càng đặc biệt nguy hiểm bởi vì TQ hồi đầu năm vừa thông qua luật hải cảnh mới, trong đó cho phép lực lượng hải cảnh sử dụng vũ lực trong các vùng biển mà nước này cho là thuộc quyền tài phán của mình, ở Biển Đông thì cụ thể là những vùng biển nằm trong cái gọi là đường lưỡi bò của TQ.
Như vậy, cuối cùng mục tiêu của TQ là gì? TQ làm việc gì cũng dựa trên cái toan tính của họ nhưng mà cái cơ bản nhất là họ vẫn muốn sử dụng sức mạnh để trấn áp những khu vực xung quanh họ. Họ muốn thể hiện quyền lực và củng cố các yêu sách chủ quyền của họ dù bị cộng đồng quốc tế phản đối.
. Nếu soi chiếu từ góc độ pháp lý thì lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của TQ đã vi phạm những gì so với luật pháp quốc tế?
+ Như chúng ta đã biết thì mỗi quốc gia đều bám sát nội dung của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 mỗi khi cần quản lý hoặc đưa ra các biện pháp điều chỉnh nào đó trên biển hoặc đại dương. UNCLOS 1982 cũng đã quy định rất rõ mỗi quốc gia chỉ có quyền chủ quyền và quyền tài phán tương ứng trên các khu vực biển của mình mà thôi.
Tàu hải cảnh Trung Quốc áp sát một tàu hải quân Indonesia gần quần đảo Natuna, phía nam Biển Đông hồi tháng 1 năm ngoái. Ảnh: REUTERS
Về phía TQ, việc yêu sách đường lưỡi bò vi phạm luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 là quá rõ ràng, như Tòa Trọng tài từng kết luận là vô giá trị trong vụ kiện của Philippines năm 2016. Việc anh tiếp tục ban hành tiếp một văn bản (ở đây là lệnh cấm đánh bắt cá - PV) dựa trên cái thẩm quyền mà anh không có thì lại càng sai. Chưa kể hành vi của TQ còn tiếp tục vi phạm thêm một loạt quy tắc khác như giữ kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình tranh chấp... Chúng đều là những quy tắc được cộng đồng quốc tế đặt ra và tuân theo trong giải quyết các vấn đề liên quan tới khu vực biển.
Nguy cơ gia tăng căng thẳng, xung đột
. TQ đã nhấn mạnh sẽ đưa lực lượng tàu hải cảnh vào để giám sát chặt chẽ hoạt động đánh bắt cá của các nước khác để thực thi các lệnh cấm đánh bắt cá. Theo ông, hành động này có làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột trong khu vực hay không? Các nước ASEAN nên làm gì trong bối cảnh như vậy?
+ Trước mắt, ta cũng đã có thể bắt đầu nhận thấy mức độ nguy hiểm cao của hành động này. Nếu TQ cho triển khai tàu hải cảnh lúc này thì sẽ tái diễn các vụ đâm chìm tàu cá các nước, hay thậm chí là lấy trộm tiền của ngư dân.
Năm nay lại càng đặc biệt căng thẳng hơn nữa vì có thêm luật hải cảnh mới, theo đó quyền lực của lực lượng này sẽ được mở rộng thêm. Căn cứ vào nội dung luật hải cảnh mới và phản ứng của các quốc gia xung quanh, tôi cho rằng khả năng xảy ra va chạm rất là lớn.
Về việc các quốc gia ASEAN nên phản ứng như thế nào trong bối cảnh hiện tại thì tôi nghĩ đây sẽ là một vấn đề hết sức khó khăn. Các nước này vẫn sẽ lên tiếng phản đối và vẫn muốn thực thi các quyền hợp pháp của mình trên Biển Đông. Tuy nhiên, việc tiếp tục duy trì các tàu cá của mình và điều lực lượng chấp pháp ra thực địa sẽ tăng nguy cơ đụng độ với lực lượng hải cảnh TQ.
Trên thực tế, không thể phủ nhận TQ hiện tại có lợi thế nhất định về các đội tàu đang hoạt động trên Biển Đông. Các diễn biến ở khu vực đá Ba Đầu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) vừa qua cho thấy TQ đủ sức điều một số lượng lớn, lên tới hàng trăm tàu vỏ thép, gây khó khăn cho lực lượng chấp pháp của các quốc gia trong khu vực.
Nếu trong thời gian tới có xảy ra các vụ va chạm tàu với TQ, các nước này có thể cân nhắc phối hợp các biện pháp ngoại giao và pháp lý, đưa hải cảnh TQ và các vấn đề liên quan tới lực lượng này ra các tòa quốc tế. Sức ép từ cộng đồng quốc tế có thể khiến TQ kiềm chế phần nào trong các hoạt động gây bất ổn trên biển.
. Các nước ASEAN như Việt Nam, Philippines, Malaysia có thể có những hoạt động phối hợp nào để đối trọng lại mối đe dọa từ hải cảnh và dân quân biển TQ trên thực địa?
+ Vấn đề này thời gian qua đã được một số học giả trong khu vực đề cập và khả năng để các nước này tiến hành phối hợp là có. Đơn cử, Việt Nam và Malaysia gần đây đang xem xét ký một bản ghi nhớ về giải quyết tranh chấp liên quan tới an ninh biển giữa vùng biển của hai bên. Bên cạnh đó, Việt Nam, Philippines, Malaysia còn có thể cân nhắc phối hợp tuần tra chung trên Biển Đông, giúp giảm thiểu vấn đề tranh chấp giữa các quốc gia này và tiến tới tạo thành đối trọng hiệu quả hơn trước thế lực của TQ.
. Xin cám ơn ông.•
Việt Nam lên tiếng về việc Trung Quốc cấm đánh bắt cá
Phản ứng trước tuyên bố cấm đánh bắt cá trên biển vô lý của TQ, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt ngày 29-4 đã nhắc lại Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam, được xác định theo UNCLOS 1982.
“Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của Trung Quốc. Quy chế này đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, đi ngược lại với tinh thần và lời văn của tuyên bố của các bên ở Biển Đông DOC, trái với thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và TQ” - ông Việt nói.