Cam kết đầu tư gần 4 tỉ USD sau hội nghị Thủ tướng gặp các doanh nghiệp FDI

(PLO)- 4 tỷ USD cam kết đầu tư không phải là kết quả duy nhất của hội nghị Thủ tướng gặp các doanh nghiệp FDI. Quan trọng hơn cả là cam kết của các bộ, ngành và Chính phủ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Với 100 đầu cầu trong nước và 83 đầu cầu nước ngoài, hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì sáng nay 22-4, đã gặt hái được một số kết quả, phát đi những năng lượng tích cực ở thời điểm tăng trưởng kinh tế giảm sút, bộ máy hành chính công vụ nhiều nơi trùng xuống.

Tín hiệu tích cực đầu tiên có thể cảm nhận, như phát biểu kết luận của Thủ tướng nằm ở hình thức hội nghị: Đây là hội nghị trực tiếp, trực tuyến quy mô lớn nhất từ trước tới nay hướng tới các nhà đầu tư nước ngoài. Và con số, không hẳn lớn, nhưng là niềm tin của doanh nghiệp nước ngoài với cơ hội làm ăn ở Việt Nam, gần 4 tỷ USD cam kết đầu tư trong thời gian tới.

Và để lan tỏa giá năng lượng tích cực ấy, điều quan trọng là các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tinh thần trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, vì nước, vì dân, vì sự phát triển của doanh nghiệp, chủ động giải quyết kịp thời những vướng mắc mà các nhà đầu tư kiến nghị với trách nhiệm cao nhất, kịp thời, hiệu quả nhất. Chính phủ sẽ có cơ chế và kế hoạch kiểm tra các bộ, ngành địa phương thực hiện chỉ đạo này…

“Non cao cũng có đường trèo”

Phát biểu kết luận, Thủ tướng đánh giá những năm qua, hoạt động FDI tại Việt Nam ngày càng sôi động, ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp FDI lớn với công nghệ hiện đại đang đầu tư, mở rộng đầu tư với chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: NHẬT BẮC

"Mặc dù còn có những hạn chế, bất cập, nhưng nhìn chung, các nhà đầu tư đều chia sẻ, thấu hiểu, đồng hành với Việt Nam. Người Việt Nam có câu: Non cao cũng có đường trèo/Đường dù hiểm nghèo cũng có lối đi. Người Việt Nam vốn rất linh hoạt, cộng với sự chia sẻ, đồng hành của các nhà đầu tư thì nhất định các khó khăn sẽ được xử lý, thách thức sẽ được vượt qua” - Thủ tướng nói.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng lưu ý cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thân thiện môi trường, tập trung vào các ngành mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu.

Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu tuân thủ đúng pháp luật, thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền các cấp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Cạnh đó, các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài cần nêu cao tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; "đã nói là phải làm; đã cam kết phải thực hiện hiệu quả", bằng năng lực, trí tuệ, kinh nghiệm để chuyển hóa những khó khăn, thách thức thành cơ hội, động lực phát triển…

"Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam. Việt Nam luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cùng thắng, cùng Việt Nam phát triển” - Thủ tướng nói và nhấn mạnh kinh nghiệm thực tiễn cho thấy: Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy; động lực bắt nguồn từ đổi mới; Thành công đến từ sự hợp tác, tin tưởng, chung sức, đồng lòng.

Đang trình Quốc hội xử lý các vấn đề liên quan thị thực

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng dành thời gian giải đáp cụ thể các vấn đề cụ thể được đại biểu quan tâm.

Các nhà đầu tư hoan nghênh các cam kết của Chính phủ, Thủ tướng. Ảnh: NHẬT BẮC

Các nhà đầu tư hoan nghênh các cam kết của Chính phủ, Thủ tướng. Ảnh: NHẬT BẮC

Về vấn đề OECD áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn đề cao việc tuân thủ luật pháp và chủ động, tích cực tham gia các cam kết chung của quốc tế, trong đó có các cam kết về thuế tối thiểu toàn cầu trong khuôn khổ Sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận của OECD.

Chính phủ đã và đang chỉ đạo khẩn trương rà soát, có các giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ khác ngoài thuế trên cơ sở không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa các bên, bảo đảm ứng xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Thủ tướng nêu các hỗ trợ liên quan đến đất đai; chi phí nghiên cứu khoa học và công nghệ; cải cách thủ tục hành chính; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng… để khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư mới.

Cùng với đó là việc tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định và xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và áp dụng phù hợp với Việt Nam trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ở thời điểm này, nhiều vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài kiến nghị, đề xuất đã được các cơ quan hữu quan Việt Nam tiếp nhận và có giải pháp cụ thể. Chẳng hạn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đang trình Quốc hội xử lý các vấn đề liên quan thị thực, trong thẩm quyền của mình Bộ LĐ-TB&XH đã có giải đáp về vấn đề lao động.

Các vướng mắc liên quan đến điều kiện phòng cháy chữa cháy đã được nhiều cơ quan báo chỉ phản ánh ý kiến, kiến nghị từ khu vực dân doanh thì Chính phủ cũng đã ghi nhận, giao Bộ Công an, Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan rà soát, tháo gỡ. Ở lĩnh vực kinh doanh thuốc, vật tư y tế đã được xử lý một bước và Bộ Y tế đang tiếp tục vào cuộc quyết liệt.

Lĩnh vực năng lượng như quy hoạch điện VIII, điện gió, điện mặt trời, điện áp mái, thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp thì địa chỉ trách nhiệm Bộ Công Thương. Thủ tục cấp phép vận hành các cơ sở giáo dục là Bộ GD&ĐT, đánh giá tác động môi trường là Bộ TN&MT…

Biện pháp phòng, chống dịch quá cẩn trọng sẽ thành rào cản kinh doanh

Tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit nêu việc số lượng các ca mắc COVID-19 tăng cao thời gian gần đây.

“Chúng tôi mong muốn và đề xuất Chính phủ Việt Nam cần đánh giá sự cần thiết của những biện pháp chống dịch. Những biện pháp quá mức cẩn trọng sẽ trở thành rào cản cho các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, lưu trú” - ông Gabor Fluit nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm