Cấm ông Nguyễn Hữu Linh đi khỏi nơi cư trú ra sao?

Như PLO đã thông tin chiều 21-4, đúng 20 ngày từ khi thực hiện hành vi “nựng” bé gái trong thang máy, ông Nguyễn Hữu Linh bị Công an quận 4, TP.HCM khởi tố về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

Cụ thể ông Linh bị khởi tố theo Khoản 1 Điều 146 BLHS 2015 có mức hình phạt từ sáu tháng đến ba năm tù.

Đồng thời với quyết định khởi tố cơ quan CSĐT công an quận cũng ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú với ông Linh. Hiện VKSND quận 4 đang xem xét để ra các quyết định đối với các đề nghị phê chuẩn của CQĐT cùng cấp.

Vậy biện pháp cấm đi khỏi nơi cứ trú với ông Linh sẽ được thực hiện ra sao?

Ông Nguyễn Hữu Linh.

Theo Điều 123 BLTTHS 2015 biện pháp này được áp dụng đối với người có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng, phải làm giấy cam đoan, phải có mặt đúng thời gian, địa điểm ghi trong giấy triệu tập của CQĐT, VKS hoặc Tòa án.

Người ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú trong vụ này là cơ quan CSĐT công an quận 4 phải thông báo về việc áp dụng biện pháp này cho chính quyền xã (phường) nơi ông Linh cư trú và giao cho chính quyền đó để quản lý, theo dõi.

Nếu ông Linh có lý do chính đáng phải tạm thời đi khỏi nơi cư trú thì ông phải được sự đồng ý của chính quyền nơi cư trú và phải có giấy phép của cơ quan CSĐT công an quận 4 (nơi áp dụng biện pháp ngăn chặn).

Theo luật ông Linh làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ như: Không đi khỏi nơi cư trú nếu không được CQĐT cho phép; Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan; Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật.

Ông Linh cũng không được tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

Nếu ông Linh vi phạm nghĩa vụ cam đoan trên thì nơi được giao quản lý ông Linh phải báo ngay cho CQĐT biết. Sau đó tùy tình hình và mức độ vi phạm CQĐT có thể ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn là có bắt tạm giam hay không.

Thông thường khi CQĐT đã áp dụng biện pháp này thì sẽ tồn tại suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án nếu không bị thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác. Ngoài ra luật cũng quy định thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử.

Cấm đi khỏi nơi cư trú

 1. Cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.

2. Bị can, bị cáo bị cấm đi khỏi nơi cư trú phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ:

a) Không đi khỏi nơi cư trú nếu không được cơ quan đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cho phép;

b) Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan;

c) Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội;

d) Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản này thì bị tạm giam.

3. Những người có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Đồn trưởng Đồn biên phòng có quyền ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.

4.Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù.

 5. Người ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú phải thông báo về việc áp dụng biện pháp này cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú, đơn vị quân đội đang quản lý bị can, bị cáo và giao bị can, bị cáo cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc đơn vị quân đội đó để quản lý, theo dõi họ.Trường hợp bị can, bị cáo vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan phải tạm thời đi khỏi nơi cư trú thì phải được sự đồng ý của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc đơn vị quân đội quản lý họ và phải có giấy cho phép của người đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.

 6. Nếu bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan thì chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú, đơn vị quân đội đang quản lý bị can, bị cáo phải báo ngay cho cơ quan đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú biết để xử lý theo thẩm quyền. Trích Điều 123, BLTTHS 2015.

 
  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm