“TP.HCM có hơn 90% người dân sử dụng xe máy, giải pháp hạn chế xe máy đưa ra sẽ tác động ngay tới người dân, do đó cơ sở khoa học phải chắc chắn, giải pháp phải khả thi”. Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, phát biểu như trên tại hội nghị phản biện xã hội dự thảo đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cá nhân ở TP.HCM, tổ chức ở trụ sở ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP ngày 1-3.
62,5% người dân ủng hộ
Theo ông Lâm, TP chọn khu vực trung tâm tiến tới mục tiêu năm 2030 cấm xe máy vì khu vực này mật độ giao thông cao, hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh, kết hợp metro, xe đạp công cộng…
Hội nghị cũng công bố khảo sát của Sở GTVT TP, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (TDSI) phối hợp với UBND các phường, xã lấy ý kiến 35.000 hành khách trên 24 quận, huyện và các đầu mối giao thông về hạn chế xe cá nhân. Kết quả, có hơn 62,5% người dân cho rằng cần hạn chế lưu thông ô tô con, xe máy (trong đó, gần 41% đồng ý hoàn toàn và gần 22% đồng ý khi vận tải hành khách công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại).
Ngoài ra, người dân đồng tình với một số giải pháp giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường như điều chỉnh giờ học, giờ làm lệch ca (hơn 80,2% đồng tình); thu phí ô tô vào khu vực trung tâm (hơn 69% đồng tình); ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông (thu phí tự động, xử phạt..., tỉ lệ đồng thuận hơn 85,5%).
PGS-TS Phan Thị Hồng Xuân, đại biểu HĐND TP, cho biết việc khảo sát nhu cầu giao thông người dân là quan trọng. “Kết quả khảo sát trên 50% người dân ủng hộ hạn chế xe cá nhân là điều đáng hoan nghênh” - bà Xuân nói. Tuy nhiên, theo bà Xuân, việc phát triển các giải pháp kiểm soát xe cá nhân phải có bước đi thận trọng. TP cần thời gian phát triển các phương tiện giao thông công cộng, đồng thời nghiên cứu thói quen di chuyển của người dân, đặc điểm ngành nghề, sự di dân… TP cần nắm thêm những yếu tố này để đi đến các giải pháp phù hợp hơn.
62,5% người dân cho rằng cần hạn chế lưu thông ô tô con, xe máy. Ảnh: HTD
Đường sắt đô thị cần đột phá
Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM- kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường cho rằng chính sách hạn chế xe máy cũng như gia tăng năng lực giao thông công cộng cần có lý, có tình.
Để giải bài toán giao thông này, theo ông Trường cần thực hiện phương châm “kéo và đẩy”, nghĩa là các giải pháp đồng bộ khác như phân bổ không gian cư trú, giải pháp đi bộ, dùng xe đạp… đều phải được tận dụng để giải bài toán giao thông này, chứ không thể đợi đến khi phương tiện công cộng đảm bảo nhu cầu mới giảm xe máy.
Mục tiêu đề án là hạn chế xe máy lưu thông bốn quận trung tâm TP thì cần xem xét thêm về mặt pháp lý. Nên chăng thay vì cấm thì chính quyền cần có giải pháp cho người dân thấy xe máy là không phù hợp so với sử dụng phương tiện khác và làm sao mang đến sự tự nguyện. Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM |
TS Phạm Hoàng Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ GTVT), thông tin mạng lưới giao thông xe buýt hiện nay chưa hoàn thiện, phần lớn là xe buýt lớn trong khi đường nhỏ, hẻm nhiều, cơ cấu xe buýt chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
“Đến năm 2030 thì TP cần phát triển xe buýt số lượng lớn, đường sắt đô thị cần có giải pháp đột phá, phát triển buýt thủy, taxi, xe đạp công cộng… TP cũng cần phát triển minibus để gom khách từ các trục là tuyến đường lớn” - ông Trung đề xuất.
Ở góc nhìn quản lý đô thị, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa nêu TP cần quan tâm đến vấn đề phân bổ dân cư. Chứng minh điều này, ông Hòa dẫn chứng nhiều nơi trên thế giới đã tạo ra một TP lớn ngay cạnh TP hiện hữu và san sẻ dân cư. còn TP.hcm thì cứ dồn vào khu 930 ha trung tâm hiện nay là không nên.
Ông Trần Quang Lâm cho biết với đề án này, các đơn vị liên quan sẽ hoàn chỉnh trên tinh thần cầu thị, khả thi. “Hiện nay TP cũng đã thành lập Ban điều hành giải quyết ùn tắc giao thông, sắp tới sẽ tiếp tục hoàn chỉnh đề án và xin lại ý kiến Mặt trận Tổ quốc rồi trình UBND TP” - ông Lâm nói.
Ba giai đoạn hạn chế xe cá nhân Đề án tăng cường giao thông công cộng kết hợp với kiểm soát phương tiện cá nhân ở TP.HCM được chia làm ba giai đoạn thực hiện: Từ nay đến năm 2020; từ năm 2021 đến 2025 và từ năm 2026 đến 2030. Giai đoạn đầu hoàn thiện quy hoạch, cơ chế chính sách, bộ máy quản lý nhà nước về giao thông đô thị, nâng cao chất lượng hoạt động vận tải hành khách công cộng cùng với việc hoàn thiện hạ tầng giao thông khác. Từ năm 2021 đến 2025, ngoài các giải pháp giao thông công cộng, giai đoạn này sẽ thực hiện một số giải pháp làm cơ sở triển khai việc kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân, ngừng hoạt động mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh tại khu vực trung tâm TP. Giai đoạn từ năm 2026 đến 2030, TP sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng, kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân và các giải pháp hỗ trợ, tiến tới ngưng hoạt động mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh tại một số khu vực. Sở GTVT TP dự kiến kinh phí thực hiện đề án khoảng 52,5 tỉ đồng. |