Cảm xúc tháng 5: Nghĩa tình đất sen hồng trong tim Bác

Trong những ngày tháng 5 lịch sử rợp cờ hoa, khắp đất nước ta cũng như các đại sứ quán, lãnh sự quán Việt Nam trên toàn thế giới đều nô nức, long trọng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 130 năm ngày sinh Bác Hồ kính yêu (19-5-1890 - 19-5-2020).

Các phương tiện truyền thông quốc tế và trong nước đã dành nhiều chuyên trang, chuyên mục và thời lượng đáng kể cho ngày kỷ niệm lịch sử này.

Chúng ta ai cũng xúc động, bồi hồi vừa tự hào là con dân nước Việt, con cháu Bác Hồ, là công dân của thời đại Hồ Chí Minh...

Cả đất nước đều nói, đều kể lại những câu chuyện xúc động về tấm gương cần kiệm liêm chính, chí công vô tư của Bác. Bè bạn khắp năm châu cũng ca ngợi, tôn vinh những phẩm chất đáng quý, mẫu mực của Người. Một con người mà suốt hai thế kỷ ngợi ca vẫn chưa hết chuyện. Bác lớn lao, vĩ đại vô cùng. Những mẩu chuyện về Bác lan tỏa khắp nơi và lúc nào cũng mang ý nghĩa mới, vẫn mang theo ý nghĩa thời sự nóng hổi.

Xem cầu truyền hình “Hồ Chí Minh - Sáng ngời ý chí Việt Nam’’ do Ban Tuyên giáo Trung ương và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tối 18-5 tại năm điểm cầu: Hà Nội, TP.HCM, Tuyên Quang, Nghệ An và Đồng Tháp, tôi thấy thỏa lòng về sự hoành tráng, công phu trong tổ chức.

Và tôi đặc biệt xúc động qua chuyện kể của ông Lê Chí Đức ở đầu cầu Đồng Tháp. Tôi đã được nghe và biết được rằng quân và dân Đồng Tháp đã hy sinh bao xương máu để giành giật và giữ được phần mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc trước nhiều cuộc hành quân càn quét. Những sự hy sinh đó đã được ghi vào sử sách... Nhưng câu chuyện ông Lê Chí Đức kể hôm nay chúng tôi mới nghe được lần đầu.

Ông Đức kể rằng năm 1954, sau khi ký Hiệp định Giơnevơ, đoàn cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc của tỉnh Đồng Tháp cử ông mang một nắm đất trên mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc và một tấm ảnh chụp cảnh các cán bộ chiến sĩ quân và dân Đồng Tháp đang quây quần quanh mộ Cụ ra Hà Nội dâng tặng Bác Hồ.

Khi ra Hà Nội, ông đi bộ ra khu vực hồ Hoàn Kiếm mua một cái hộp sơn mài rồi cho nắm đất vào trong đến gặp Bác. Khi cầm tấm ảnh và hộp đất lấy từ nấm mộ Cha từ Cao Lãnh đưa ra, Bác Hồ đã khóc...

Ông Đức đặt câu hỏi không biết sau đó Bác còn giữ kỷ vật đó không? Đầu cầu Hà Nội đáp lại bằng cuộc phỏng vấn nhỏ người cận vệ đắc lực của Bác năm nào và nghe ông kể về việc Bác Hồ nâng niu hai kỷ vật đó ra sao.

Sau đó, ống kính trường quay hướng vô góc phòng làm việc của Bác trong nhà sàn thì thấy hộp sơn mài và tấm ảnh vô giá của Đồng Tháp dâng lên Bác hơn 65 năm qua vẫn nằm ở vị trí trang trọng nhất. Nghĩa tình sâu nặng của đất Sen Hồng đã nằm sâu trong tim Bác suốt bao năm!

Người vệ sĩ năm xưa còn kể lại rằng: Bác Hồ thường tâm sự Mẹ mất ở Huế, Cha mất ở Cao Lãnh. Còn Bác thì đã vô Nam và ra đi từ bến cảng Nhà Rồng nhưng chưa một ngày trở lại và Bác luôn tự dằn vặt mình là “ Đi đến nơi nhưng chưa về đến chốn’’!

Những câu chuyện ngập tràn cảm xúc tháng 5!

Xin cám ơn các nhân chứng sống. Xin cám ơn tất cả chiến sĩ, đồng bào và xin tri ân những sự hy sinh vì Bác mặc dù chưa thể sánh bằng công lao to lớn của Bác. Nhưng dù sao cũng đã thể hiện lòng biết ơn với Bác - Người đã một đời vì dân tộc Việt Nam.

TP.HCM những ngày tháng 5 lịch sử.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm