Cần 514 tỷ đồng để chi thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế

(PLO)- Sở Y tế TP.HCM đề xuất xin hỗ trợ cho đơn vị không đủ nguồn chênh lệch tăng thêm là 209 tỉ đồng, cho nhóm nhân viên y tế không phải là viên chức 305 tỉ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều ngày 2-11, Thường trực HĐND UBND TP.HCM đã có buổi giám sát với Sở Y tế, Sở LĐTB&XH và HCDC về triển khai chủ đề năm 2022 “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Buổi giám sát của HĐND UBND TP.HCM với Sở Y tế TP.HCM, Sở Lao động - Thương Binh & Xã hội TP.HCM và HCDC. Ảnh: TÚ NGÂN

Buổi giám sát của HĐND UBND TP.HCM với Sở Y tế TP.HCM, Sở Lao động - Thương Binh & Xã hội TP.HCM và HCDC. Ảnh: TÚ NGÂN

Khó trong khám BHYT bằng CCCD gắn chíp

Tại buổi giám sát, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu, cho biết tình hình khám chữa bệnh 9 tháng đầu năm 2022 tại các cơ sở y tế cơ bản đã phục hồi, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn và các tỉnh thành lân cận.

Đến nay đã có 53/55 bệnh viện công lập (trừ Bệnh viện Nhân Ái và Khu điều trị phong) và 16/65 bệnh viện ngoài công lập triển khai thí điểm sử dụng CCCD gắn chíp trong khám chữa bệnh BHYT.

“Tính đến tháng 9 năm 2022, số lượt người đi khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp chiếm tỷ lệ 4,2%, tăng so với tỷ lệ trong tháng 3 và 4 năm 2022 khi mới bắt đầu triển khai là 0,8%. Trong đó 87% trường hợp CCCD gắn chíp tra cứu có thông tin thẻ BHYT” - ông Châu chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nêu khó khăn của ngành Y tế. Ảnh: TÚ NGÂN

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nêu khó khăn của ngành Y tế. Ảnh: TÚ NGÂN

Cũng theo Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, việc triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD có gắn chíp còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, một số lượng lớn người bệnh chủ yếu là người bệnh cũ, đã có thông tin trên phần mềm bệnh viện (mã vạch trên sổ khám bệnh) nên không yêu cầu thực hiện khám chữa bệnh bằng CCCD có gắn chíp.

Một số người bệnh chưa có thẻ CCCD gắn chip hoặc không mang theo vì sợ mất; người bệnh lo sợ về vấn đề bảo mật thông tin; người bệnh phải cập nhật số thẻ CCCD mới trên ứng dụng VSSID và chờ duyệt; người bệnh thường lớn tuổi, quen sử dụng thẻ BHYT, còn ở người trẻ thì quen sử dụng VSSID; khi sử dụng CCCD có gắn chip để khám chữa bệnh BHYT thì một số người bệnh bỏ về và không hoàn thành quy trình khám.

Bệnh viện chưa có thiết bị đọc được mã QR code trên thẻ CCCD; hệ thống phần mềm của bệnh viện chưa hoàn thiện nên cập nhật dữ liệu còn chậm; thông tin quét mã QR có thẻ sai tên, thẻ không có thông tin phải nhập tay.

Cũng theo ông Vĩnh Châu, Nghị quyết 03 về chi thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế là vấn đề khó khăn đối với ngành Y tế, vấn đề này liên quan đến quỹ cải cách tiền lương trước đây. Hiện có 27 đơn vị không đủ nguồn tự chủ tài chính, trong đó có trung tâm y tế quận 10 và BV Trưng Vương không chi được thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế.

“Nghị quyết 03 hiện nay chỉ hỗ trợ viên chức trong khi số lượng viên chức trong các BV chỉ chiếm hơn 60%. Do đó các đơn vị sự nghiệp công lập phải tự cân đối thu chi và chia sẻ với nhau. Vì thế Sở Y tế đề xuất xin hỗ trợ thêm trong năm 2022 chi theo Nghị quyết 03 cho đơn vị không đủ nguồn chênh lệch tăng thêm là 209 tỷ, chi thêm cho nhóm nhân viên y tế không phải là viên chức 305 tỷ, tổng 514 tỷ đồng” - ông Châu đề xuất.

Cạnh việc thu nhập giảm nhiều, nhân viên y tế nghỉ việc vì di chuyển quá xa, Sở Y tế đề xuất mở thêm tuyến xe buýt công cộng hỗ trợ nhân viên y tế ở khu vực BV Truyền máu Huyết học và BV Nhi đồng TP (Bình Chánh) và ở BV Ung Bướu (cơ sở 2).

Nguy cơ dịch sởi trong cuối năm nay

Cũng tại buổi giám sát, bà Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết hiện nay việc gián đoạn nguồn vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng của TP (thiếu vaccine sởi, rubella, IPV và bại liệt não) có khả năng gây bùng dịch.

Bà Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM chia sẻ tại buổi giám sát. Ảnh: TÚ NGÂN

Bà Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM chia sẻ tại buổi giám sát. Ảnh: TÚ NGÂN

Theo đó, Phó giám đốc HCDC nhận định các vaccine này hiện đang thiếu trên toàn quốc, không riêng gì ở TP.HCM. Hiện tỉ lệ tiêm sởi rất thấp nên TP có nguy cơ đối đầu với dịch sởi trong cuối năm nay đến đầu năm sau.

Đại diện HCDC nêu giải pháp đầu tiên là lập danh sách tất cả trẻ chưa tiêm để khi có vaccine sẽ tiêm ngay. Đối với tiêm ngừa sởi cho trẻ từ 9-12 tháng, HCDC hướng dẫn trẻ trên 12 tháng chưa tiêm sẽ được tiêm miễn phí. Đối với gia đình có điều kiện nên đưa con đi tiêm dịch vụ thu phí. Các biện pháp dự phòng không dùng thuốc cũng được hướng dẫn và khuyến cáo bảo vệ trẻ trên website của HCDC.

"Hiện nay HCDC cũng gặp khó khăn trong công tác kiểm soát dịch bệnh ở cả hệ thống kiểm soát dịch bệnh TP. Việc thiếu nhân sự dẫn đến quá tải, ảnh hưởng chất lượng công việc. Theo đó chúng tôi mong UBND TP tham mưu lại mức chi để duy trì hoạt động tiêm chủng cho TP" - bà Nga đề xuất.

Kết luận tại buổi giám sát, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM, cho rằng ngành Y tế thực hiện khá tốt trong tiêm phòng vaccine COVID-19 mũi 1 và 2, góp phần giúp TP kiểm soát bệnh tật.

Tuy nhiên các mũi nhắc lại vẫn còn khiêm tốn, ông đề nghị ngành Y tế tiếp tục tuyên truyền để người dân quan tâm và đảm bảo tiêm ngừa mũi nhắc lại để TP kiểm soát được dịch, góp phần phục hồi ngành du lịch TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm