CMND sẽ được đổi thành thẻ căn cước công dân (CCCD) và giấy khai sinh cho trẻ mới sinh sẽ được thay thế bằng thẻ CCCD. Đây là hai thông tin gây lo ngại cho nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại phiên thảo luận về Luật CCCD và Luật Hộ tịch ngày 19-6.
Bản chất không đổi, sao phải đổi tên?
ĐB Nguyễn Đức Chung (Giám đốc Công an TP Hà Nội) phản ánh: “Tâm tư nguyện vọng của cử tri là muốn giữ tên gọi CMND và đề nghị chính quyền không nên đổi thành thẻ CCCD. Bởi lẽ nếu đổi tên gọi là CCCD thì toàn bộ hệ thống phần mềm của các ngân hàng và những cơ sở dữ liệu đã có liên quan đến vài chục triệu dân cũng phải sửa, rất nhiều giấy đỏ phải cấp lại, tất cả biểu mẫu, giấy tờ có ghi cụm từ CMND cũng phải sửa đổi lại thành CCCD, rất phức tạp, tốn kém. Thậm chí những văn bản pháp quy có điều luật liên quan đến chữ CMND (như Luật Xử lý vi phạm hành chính) cũng phải sửa lại thành cụm từ CCCD.
ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) cho rằng có hợp lý khi bỏ số tiền làm khoảng 21 triệu thẻ CCCD cho người dưới 15 tuổi để cất giữ, không giao dịch gì? Ảnh: TTXVN
Ý kiến trên được ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) ủng hộ: “Quốc hội bấm nút thông qua thì rất đơn giản nhưng hệ lụy kéo theo rất phức tạp và tốn kém, phải thay đổi toàn bộ giấy tờ đã in sẵn chỉ để làm mỗi việc thay từ CMND thành CCCD. Trong lúc đó, bản chất của CCCD và CMND không có gì thay đổi thì tội gì phải thay đổi tên gọi mà nên giữ nguyên như trước”. ĐB Phương cũng cho rằng bản tổng hợp ý kiến của đoàn thư ký về vấn đề này không phản ánh đúng thực chất. Vì QH có 499 ĐB, có 20 ĐB phát biểu và những người nói sau không thể phát biểu trùng với người trước, có ba ý kiến đồng tình nhưng còn rất nhiều ĐB chưa thể phát biểu. Vì vậy QH nên phát phiếu thăm dò và tổng hợp thì khi đó mới phản ánh đúng ý chí đích thực.
ĐB Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) cho rằng: “Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ công dân mà Bộ Công an đang triển khai và việc xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư đã tốn trên 3.000 tỉ đồng để chuyển đổi cấp CMND từ chín số sang 12 số, trùng với số định danh cá nhân. Tới đây, nếu đổi tiếp sang thẻ CCCD sẽ tốn thêm nhiều kinh phí”.
Cân nhắc việc cấp CCCD cho người dưới 15 tuổi
Với đề xuất trong dự thảo Luật CCCD “cấp thẻ CCCD khi đăng ký khai sinh”, ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) băn khoăn: “Cái mới, cái tiến bộ, chúng ta hoan nghênh và ủng hộ nhiệt tình nhưng cần phải cân nhắc sự hợp lý, tiết kiệm, không lãng phí. Thực tế, người dưới 15 tuổi chủ yếu còn đi học, vậy có hợp lý hay không khi bỏ ra một số tiền không hề nhỏ để làm khoảng 21 triệu thẻ CCCD cho người dưới 15 tuổi (chiếm 24% dân số) để cất giữ, không giao dịch gì? Tôi đề nghị chỉ cấp thẻ CCCD cho người đủ 14 tuổi trở lên”.
Theo ĐB Đặng Thị Kim Liên (Yên Bái), thẻ CCCD là thẻ định dạng cho công dân, phân biệt người này với người khác căn cứ vào nhiều yếu tố, quan trọng nhất là hình ảnh và vân tay. Thế nhưng thẻ CCCD cấp cho trẻ dưới 14 tuổi không đảm bảo phân biệt nhân dạng với người khác, lại thêm thủ tục, tạo sự phiền hà, tốn kém cho công dân. Bà Liên đề nghị quy định theo hướng “trẻ sinh ra, đăng ký khai sinh và nhập thông tin vào cơ sở dữ liệu đến khi đủ 14 tuổi sẽ cấp thẻ CCCD đầy đủ với định dạng cá nhân như quy định của dự thảo luật”.
ĐB Quàng Thị Nguyên (Sơn La) lo ngại: “Nếu cấp thẻ căn cước cho người dưới 15 tuổi thì Nhà nước sẽ phải đầu tư kinh phí 648 tỉ đồng khá tốn kém. Theo kinh nghiệm của nhiều nước áp dụng thẻ CCCD, đại đa số cấp thẻ vào 14 hoặc 15 tuổi”.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương phân tích thêm, bản thân dự thảo Luật CCCD cũng có sự mâu thuẫn khi quy định về vấn đề này. Luật này giải thích CCCD là các thông tin cơ bản về gốc tích, đặc điểm nhân dạng của công dân theo quy định của luật để nhận dạng một con người hoặc phân biệt người này với người khác; các thông tin, tài liệu xác nhận phải có ảnh chân dung; phải có đặc điểm về nhân dạng và vân tay. Trong lúc đó, Điều 18 của dự luật lại quy định người dưới 15 tuổi không in ảnh, vân tay và ghi đặc điểm nhân dạng người đó lên thẻ là mâu thuẫn với ba điểm trên. Chưa kể Điều 21 của dự luật yêu cầu người đến làm thủ tục cấp thẻ CCCD phải xuất trình giấy tờ, viết tờ khai, phải có người đại diện hợp pháp. Nghĩa là trẻ vừa sinh ra phải đến để khai hay sao? Điều này xem ra phức tạp hơn chuyện cha mẹ đi khai sinh cho con rất nhiều. Cuối cùng là thẻ CCCD này không thể thay cho giấy khai sinh. Vì mọi người sinh ra đều có quyền đăng ký khai sinh, còn thẻ căn cước chỉ cấp cho công dân.
ĐB Phương lo lắng: “Việc làm thẻ CCCD cho trẻ dưới 15 tuổi sẽ làm tăng thêm biên chế, kỹ thuật về công nghệ, phương tiện phục vụ trong khi lực lượng công an hiện có rất nhiều việc cần làm, không phù hợp với yêu cầu tinh giản biên chế. Giá của thẻ CCCD này sẽ đắt hơn giấy khai sinh rất nhiều, mà trẻ cũng chưa nhất thiết sử dụng”.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đánh giá: “Nhiều vấn đề cần rà soát thêm để bảo đảm được tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật; phải đánh giá được tác động toàn diện về kinh tế-xã hội, nhất là nguồn lực về tài chính, công nghệ để triển khai. Về thời điểm cấp thẻ CCCD từ lúc mới sinh ra hoặc từ lúc 14 tuổi trở lên, ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu cơ sở khoa học thực tiễn và kinh nghiệm của các nước, báo cáo thêm với QH trong kỳ họp tới”.
BÌNH MINH
Thời điểm có hiệu lực Về thời điểm dự kiến Luật CCCD có hiệu lực từ 1-7-2015, nhiều ý kiến cho rằng chưa đầy một năm để triển khai thi hành luật này thì tính khả thi thấp, nên chọn năm 2016 thích hợp hơn. Cũng có ý kiến đề nghị đối với những tỉnh khó khăn về kinh phí, thời điểm luật có hiệu lực là đến năm 2020. Phó Chủ tịch QH UÔNG CHU LƯU |