Từ năm 2020 và định hướng đến sau năm 2030, để triển khai xây dựng cao tốc Bắc-Nam trục phía Đông và Tây dài 3.096 km, Việt Nam sẽ cần tới gần 830.000 tỉ đồng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, cùng với những cơ chế, chính sách của Nhà nước nhằm thu hút nhà đầu tư cùng “bắt tay” làm đường.
Đây là một trong những nội dung chính trong tờ trình điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam báo cáo lên Bộ GTVT. Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 sẽ có 2.703 km đường cao tốc được xây dựng, chiếm tỉ lệ 42,1% tổng chiều dài mạng đường bộ cao tốc của cả nước. Tới thời điểm hiện tại, nước ta có khoảng 800 km đường cao tốc đã được xây dựng, 513 km đường cao tốc đang triển khai xây dựng và khoảng 654 km đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông đã xác định được nguồn vốn và có khả năng hoàn thành trước năm 2020. Như vậy, tổng chiều dài đường cao tốc nước ta dự kiến hoàn thành trước năm 2020 khoảng 1.913 km, đạt 70,7% tổng chiều dài các tuyến cao tốc cần hoàn thành đến năm 2020 như quy hoạch đề ra. Về nguồn vốn đầu tư, qua thực tế thấy rằng nguồn vốn để xây dựng các tuyến cao tốc chủ yếu từ các nguồn ngân sách nhà nước như vay ODA, trái phiếu chính phủ rồi bán quyền thu phí. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thu phí hoàn vốn của các tuyến đường cao tốc ở nước ta là rất khó khăn. Với Nghị quyết số 52/2017/QH14 thì các dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông sẽ được đầu tư theo hình thức hợp tác Nhà nước-tư nhân (PPP), trong đó khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án. Trước khó khăn về nguồn vốn đầu tư đối với các dự án đường cao tốc và khó khăn trong việc hoàn vốn nên phía Tổng cục Đường bộ thừa nhận tiến độ triển khai các dự án xây dựng đường cao tốc của nước ta chưa theo tiến độ đề ra trong quy hoạch. Với tình hình phát triển kinh tế-xã hội, thực trạng phát triển phương tiện cơ giới và tiến trình đầu tư hiện tại của hệ thống hạ tầng giao thông, để đáp ứng tầm nhìn dài hạn, lưu lượng xe dự báo đối với trục cao tốc Bắc-Nam phía Đông tại một số đoạn cửa ngõ các thành phố, trung tâm kinh tế, chính trị lớn có xu hướng gia tăng so với kết quả dự báo trước đây; xuất hiện lưu lượng tăng tại một số hành lang vận tải và có thể xem xét việc xây dựng bổ sung các tuyến cao tốc. Theo đó, cao tốc Bắc-Nam gồm hai tuyến với tổng chiều dài khoảng 3.096 km. Cụ thể, tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông gồm 27 đoạn, tổng chiều dài 1.827 km; tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Tây gồm 24 đoạn với tổng chiều dài là 1.269 km. Tổng cục Đường bộ cũng đưa ra dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư của từng đoạn tuyến cao tốc (không bao gồm các tuyến cao tốc đang triển khai hoặc chuẩn bị triển khai đã xác định được nguồn vốn).
Tổng cục Đường bộ cũng tính toán đến vốn đầu tư xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc được huy động từ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước dưới hình thức Chính phủ vay hoặc bảo lãnh vay, phát hành trái phiếu công trình... Đặc biệt, ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các công trình kém hấp dẫn về mặt tài chính nhưng đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần huy động tối đa mọi nguồn lực, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển đường cao tốc dưới hình thức đối tác công tư (PPP) như BOT, BT, BTO... Sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, giá, phí, lệ phí, nhượng quyền để tăng tính thương mại của các dự án, đảm bảo lợi ích thỏa đáng của nhà đầu tư.