Tại hội thảo về các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong dự án BLHS (sửa đổi) do Ủy ban Tư pháp Quốc hội tổ chức ngày 3-8, các đại biểu tranh luận sôi nổi xung quanh vấn nạn đưa, nhận hối lộ và trách nhiệm hình sự của pháp nhân.
Theo một số đại biểu, nên bỏ án tử hình với tội tham nhũng mà hướng vào việc truy thu tài sản do phạm tội mà có.
Trung tướng Trần Văn Độ tại hội thảo. Ảnh: Ngân Nga
Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên phó chánh án TAND Tối cao cho rằng cần bỏ hình phạt tử hình ở tội tham nhũng vì lâu nay tham nhũng bị xử lý quá ít, áp dụng hình phạt tử hình lại càng ít hơn nên quy định tử hình cũng không hiệu quả.
Ông lập luận, tính nghiêm minh của pháp luật thể hiện ở chỗ, quy định pháp luật phải được áp dụng trên thực tế, mọi hành vi tham nhũng cấu thành tội phạm phải bị xử lý chứ không phải quy định thật nghiêm khắc nhưng tội phạm lại ít hoặc không được đưa ra xử lý.
“ĐBQH Nguyễn Thái Học (thành viên Ủy ban Tư pháp) không đồng tình vì không đáp ứng nguyện vọng ý chí người dân. “Phát hiện và xử lý tham nhũng đã rất khó, nay còn đề nghị bỏ mức án nghiêm khắc thì sao không đáp ứng được yêu cầu phòng chống tham nhũng, làm sao đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật”.
Liên quan đến tham nhũng, ĐBQH Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng tham nhũng hiện đang là quốc nạn, làm đảo lộn mọi giá trị xã hội và đảo lộn trật tự trong các cơ quan nhà nước. Từ đó ông đề xuất cần phi hình sự hóa hành vi hối lộ, bởi thực tế, những người buộc phải đưa hối lộ là người ta bị ép buộc phải hối lộ chứ không ai tự nguyện đi hối lộ cả…
Một vấn đề được bàn thảo nhiều lần mà vẫn chưa gút là có cần thiết truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân hay không. Loại ý kiến ủng hộ cho rằng với tình hình vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện diễn ra phức tạp và ngày càng nghiêm trọng, nhất là các hành vi gây ô nhiễm môi trường, buôn lậu, trốn thuế, sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng cấm, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống an lành của người dân và gây mất trật tự, an toàn xã hội. Mặc dù đã có chế tài xử phạt vi phạm hành chính và có quy định trong pháp luật dân sự, kinh tế để buộc pháp nhân bồi thường thiệt hại nhưng vẫn kém hiệu quả. Thực tế nhiều pháp nhân biết luật phạm luật, vi phạm rồi chịu mức chế tài hành chính quá nhẹ, không đủ sức răn đe…
Ý kiến không ủng hộ thì cho rằng đã có các chế tài xử phạt vi phạm hành chính, hoặc cơ chế kiện đòi bồi thường thiệt hại trong tố tụng dân sự, kinh tế để xử lý các pháp nhân vi phạm, không phù hợp với quan niệm truyền thống về khoa học luật hình sự là chỉ truy cứu TNHS đối với cá nhân…
Ngày mai (4-8), hội thảo tiếp tục với phần góp ý cho dự án bộ luật Tố tụng hình sự.