Ngày 12-7, TAND tỉnh Đồng Tháp xử sơ thẩm (lần 2) đối với bị cáo Phạm Phú Lộc (cán bộ Cục Hải quan tỉnh Đồng Tháp) về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Tuy nhiên, do vắng mặt những người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên tòa tạm hoãn, sẽ mở lại vào ngày 10-8 tới.
Công an nhập hộ khẩu khống cho Việt kiều
Theo cáo trạng mới nhất của VKSND, năm 2012, Phạm Thị Hoàng Phi (ngụ TP.HCM) mang hồ sơ xin nhập hộ khẩu của các Việt kiều gồm Phạm Trúc Tiên, Võ Minh Tiến và Trương Thị Thu Hồng đến gặp Lộc (lúc này là trưởng phòng nghiệp vụ Cục Hải quan Đồng Tháp) nhờ giúp đỡ.
Bị cáo Phạm Phú Lộc (áo trắng, đứng) tại tòa. Ảnh: HD |
Lộc nhờ Mai Văn Út (trưởng Công an xã Mỹ Trà), Nguyễn Hoàng Vũ (công an viên Công an xã Mỹ Trà) làm hộ khẩu khống cho các Việt Kiều này để sau đó tiếp tục làm hồ sơ nhập khẩu xe ôtô theo dạng tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương sẽ được miễn thuế nhập khẩu và giá trị gia tăng.
Sau khi làm được hộ khẩu, từ ngày 14-9-2012 đến ngày 23-10-2012, Phi mang ba hồ sơ của ba Việt Kiều đến Cục Hải quan Đồng Tháp nộp xin cấp giấy phép nhập khẩu xe ôtô.
Ông Huỳnh Bá Đức (cán bộ phòng nghiệp vụ) tiếp nhận, thấy phù hợp nên lập báo cáo đề xuất trình lãnh đạo phòng phê duyệt và tham mưu cho lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh cấp giấy phép nhập khẩu. Trong đó, Lộc là người trực tiếp phê duyệt đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo ký cấp giấy phép cho Tiên và Tiến.
Do số lượng Việt kiều hồi hương xin nhập khẩu xe ôtô tăng đột biến nên ngày 09-8-2012, Tổng cục Hải quan ban hành công văn đề nghị Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tạm ngưng cấp giấy phép nhập khẩu xe ôtô theo chế độ này. Tuy nhiên, Lộc vẫn phê duyệt đề xuất, tham mưu cấp giấy phép nhập khẩu xe ôtô cho Tiến (Việt kiều Mỹ). Qua đó, Nhà nước bị thất thu thuế hơn 3,3 tỉ đồng, trong đó Lộc gây thất thoát hơn 2,3 tỉ đồng.
Quá trình điều tra xác định sau khi nhập hộ khẩu cho các Việt kiều, Phi có đưa cho Vũ và Út 16 triệu đồng. Sau đó, cả hai đưa cho Bùi Tấn Phú (trưởng Công an xã Nhị Mỹ) 4 triệu đồng và Lê Minh Tân (chủ hộ cho Việt kiều nhập hộ khẩu) 3 triệu đồng, còn lại Út và Vũ ăn nhậu hết.
Tòa phúc thẩm hủy án
Xử sơ thẩm lần 1 hồi tháng 11-2018, TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên phạt Lộc sáu năm tù. Lộc kháng cáo kêu oan.
Ngày 26-8-2020 TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, tuyên hủy án để điều tra lại. Tòa cho rằng cấp sơ thẩm cáo buộc Lộc với vai trò cán bộ hải quan nhờ công an xã nhập khống hộ khẩu cho các Việt kiều là không phù hợp. Việc này (nếu có) không phải làm trái công vụ, Lộc cũng không làm khác đi nhiệm vụ được giao và cũng không sử dụng quyền hạn của mình như một phương tiện phạm tội.
Số tiền 16 triệu đồng cấp sơ thẩm tịch thu nộp ngân sách vì cho rằng tài sản liên quan đến hành vi phạm tội là chưa đúng. Bởi nếu kết luận tiền này liên quan đến hành vi phạm tội thì phải xem xét trách nhiệm những cá nhân đã nhận số tiền này. Để xét xử đúng người, đúng tội và không bỏ lọt tội phạm, HĐXX đã tuyên hủy án.
Điều tra lại, CQĐT giữ nguyên quan điểm cho rằng Lộc phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Lộc biết rõ Tiên và Tiến không phải là Việt kiều hồi hương theo quy định; đồng thời biết rõ Tổng Cục Hải quan có Công văn yêu cầu tạm ngưng cấp giấy phép nhưng vì vụ lợi, Lộc đã làm trái công vụ trong việc tham mưu cho lãnh đạo Cục Hải quan cấp giấy phép.
Tuy nhiên, ở phần trách nhiệm bồi thường thiệt hại, CQĐT lại nhận định Lộc không phải là người hưởng lợi trực tiếp tiền thuế bị thất thu nên không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
CQĐT đã chứng minh được chiếc xe ôtô mà Tiên và Hồng được cấp phép nhập khẩu về Việt Nam là do Trần Văn Bằng đại diện cho Helena Phạm (Việt kiều Mỹ) bán. Còn Helena Phạm là người mua suất Việt kiều hồi hương để nhập lậu về Việt Nam tiêu thụ. Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt giam Bằng và truy nã Helena Phạm về tội buôn lậu.
CQĐT vẫn xác định số tiền 16 triệu đồng Phi đưa cho các công an là tiền thu thu lợi bất chính nên tịch thu sung vào ngân sách. Tuy nhiên, bản thân Vũ, Út, Phú không biết mục đích Phi nhờ nhập hộ khẩu cho các Việt kiều là để lợi dụng chính sách nhập khẩu. Phi cũng không quen biết Út và Vũ mà chỉ thông qua chuyện nhờ Lộc làm hộ khẩu, hai bên cũng không đặt vấn đề chung chi nên không đủ căn cứ xử lý hành vi đưa, nhận hối lộ.
Còn các cán bộ hải quan khác không biết hộ khẩu thường trú của các Việt kiều này là hộ khẩu khống nên không có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đề nghị thay đổi kiểm sát viên
Trong phần làm thủ tục phiên tòa, ông Phạm Phú Lộc đề nghị thay đổi Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa vì cho rằng kiểm sát viên không công tâm, khách quan khiến ông bị oan sai.
Suốt quá trình điều tra đến nay, ông Lộc vẫn tiếp tục kêu oan cho rằng bản thân và các cán bộ hải quan làm đúng quy định của Thông tư 118. Bản thân ông không liên quan đến việc nhập hộ khẩu khống và không quen biết với công viên xã Mỹ Trà.