Cán bộ huyện Mường Lát không nghỉ lễ để chống bão

Trao đổi với PLO, ông Cao Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, cho hay huyện này đã họp chỉ đạo thống nhất đảm bảo 100% các lực lượng biên phòng, công an, quân sự cán bộ huyện sẵn sàng tập trung chống bão số 4 24/24 giờ.

Theo ông Cao Văn Cường, đối với những khu vực có lượng mưa 100 mm sẽ sơ tán dân khẩn cấp đến nơi an toàn để tránh lũ quét. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Thanh Hóa căng mình chống bão số 4

Theo ông Cường, cũng vào cuối tháng 8 đầu tháng 9-2108 huyện biên giới Mường Lát từng ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai, nhiều bản làng bị xóa sổ, giao thông tê liệt, cô lập, thiệt hại gần 1.000 tỉ đồng. Vì thế theo ông Cường, nhận định ngày 2-9 có thể bão đã tan nhưng thường sau bão sẽ có mưa lớn kéo dài, gây nguy hiểm. 

“Đối với huyện biên giới Mường Lát mới đây vào đầu tháng 8-2019 vừa xảy ra trận mưa lớn cũng đã gây thiệt hại không nhỏ, vì thế trong trường hợp đối với những khu vực có lượng mưa từ 100 mm trở lên huyện sẽ chỉ đạo sơ tán ngay đến khu vực an toàn" - ông nói.

Cũng trong chiều nay, trao đổi với PLO, ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, thông tin huyện đã ban hành công điện khẩn đến các đơn vị, địa phương để chuẩn bị đối phó với bão số 4; bằng mọi cách phải đảm bảo tính mạng cho người dân qua lại khi có mưa lớn.

Ông Đạt nói hoàn lưu của cơn bão số 3 vừa qua đã khiến bản Sa Ná, Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa) bị lũ quét tàn phá hơn 30 ngôi nhà và cuốn trôi 15 người dân. Các lực lượng phải chủ động bố trí lực lượng để cảnh báo khi nước dâng, đảm bảo tính mạng tài sản cho người dân.

Trong một diễn biến khác, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa cho hay toàn tỉnh có 7.288 phương tiện nghề cá với trên 25.500 lao động. Tính đến chiều 29-8 đã có 7.220 phương tiện với 25.157 lao động về nơi neo đậu an toàn, tuy nhiên hiện còn 68 phương tiện với 397 lao động đang trên đường vào bến ven biển của tỉnh Thanh Hóa.

Trận lũ lịch sử đầu tháng 8 đã khiến bản Sa Ná, Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa) có nhiều người thương vong, nhiều ngôi nhà bị sụp đổ hoàn toàn. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Trong cuộc họp khẩn chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền cho biết tỉnh Thanh Hóa đã thông báo cho tất cả thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để di chuyển vào nơi tránh trú an toàn. 

Cũng theo ông Quyền, tỉnh cũng yêu cầu kiểm tra an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện, đê điều, các khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét để sẵn sàng phương án ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Lũ quét sạt lở đất có nguy cơ xảy ra ở Hòa Bình, Sơn La

Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương cho biết khoảng 16 giờ ngày 29-8, vị trí tâm bão ở phía nam đảo Hải Nam, cách đất liền các tỉnh Nghệ An - Quảng Trị khoảng 300 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 120 km tính từ tâm bão.

Trong khoảng 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 20 km. Từ sáng sớm đến trưa mai (30-8) bão đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. 

Đến 16 giờ ngày 30-8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9. Và trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới đi sâu vào đất liền, suy yếu thành một vùng áp thấp.

Cơn bão số 4 có phạm vi hoạt động rộng khắp các tỉnh miền Trung. Ảnh: NHCMF

Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương cũng cảnh báo từ ngày 29 đến 31-8, ở các tỉnh Trung bộ có mưa to đến rất to, theo đó tổng lượng mưa phổ biến cả đợt ở các khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị là 250-400 mm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới