Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn đánh giá Nghị quyết 26 Ban Chấp hành Trung ương ban hành hồi tháng 5-2018 có nhiều nội dung mới, có tính đột phá. Quan điểm, tư tưởng, giải pháp mới không chỉ cho công tác cán bộ khóa XII này mà cả các khóa sau.
PGS Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng Sản, hiện là phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương, cho rằng “phải suy nghĩ thực sự” về chất lượng cán bộ. Ông đánh giá thời chiến Đảng ra nghị quyết về cán bộ ít, cũng không nói lý luận nhiều nhưng cán bộ sao tốt thế. Còn giờ thì ra rất nhiều nghị quyết về cán bộ, rồi ba nhiệm kỳ trở lại đây “cao điểm học tập, làm theo Bác” mà vẫn có một bộ phận không nhỏ chưa tốt. Mà riêng khóa XII này, đến nay đã kỷ luật bảy cán bộ thuộc diện trung ương quản lý. Ấy là chưa kể nhiều việc gây bức xúc dư luận như trung ương vừa ra Chỉ thị 08 về nêu gương thì Bộ Công Thương lại điều ô tô vào tận cầu thang máy bay đón vợ bộ trưởng…
Công tác cán bộ, từ giới thiệu, quy hoạch đến làm quy trình bầu, bổ nhiệm vào các chức danh hiện còn dựa nhiều vào lấy phiếu. Nhưng mặt trái của nó, như đánh giá của ông Phúc - từng trải qua chức ủy viên Trung ương Đảng, là khiến cán bộ không dám làm, sợ quyết liệt thì mất phiếu…
Khắc phục những hạn chế ấy, ông Phúc cho rằng cần tăng cường công khai, minh bạch. Chứ như hiện nay, “tôi không biết ai được quy hoạch để sắp tới lãnh đạo mình” - ông nói.
Về luân chuyển cán bộ, Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn, người chủ trì hội thảo, chia sẻ tâm sự của những người được luân chuyển: “Nhiều đồng chí bảo là làm nhiệt tình quá, hăng hái quá có khi người ta không thích, cho là mình thể hiện. Nhưng không làm gì thì lại đánh giá luân chuyển không phát huy được”. Ông Tuấn cũng cho rằng nên làm rõ mục tiêu của luân chuyển là để rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng nhưng có nhất thiết phải để phát triển cương vị cao hơn, hay trở về công tác cũ, làm việc tốt hơn là được.
PGS Vũ Văn Phúc thừa nhận có thực tế như vậy, cán bộ đi luân chuyển chủ yếu lo an toàn, được địa phương nhận xét tốt rồi rút. Như vậy thì khó đạt được mục tiêu rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ.
Góp ý tổng quát cho việc cụ thể hóa Nghị quyết 26, nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng Sản, cho rằng các quy định tới đây cần mô tả cán bộ cấp chiến lược là người có hành động mang tầm quốc gia, là hình ảnh của thể chế. Để được như vậy, trong lựa chọn cán bộ cần năm “hóa”: khoa học hóa, tiêu chuẩn hóa, dân chủ hóa, minh bạch hóa và trách nhiệm hóa. Ông nhấn mạnh trách nhiệm hóa với người làm quan phải như người xưa: Làm sai phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình chứ không chỉ cách chức, khai trừ, huề cả làng.
Cán bộ cấp chiến lược trước hết phải khỏe GS Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Giáo dục, Tổng thư ký Hội đồng Giáo sư nhà nước, đồng ý và cho rằng cần cụ thể hóa Nghị quyết 26 với các quy định cụ thể. Liên tưởng đến câu chuyện sức khỏe lãnh đạo, khi một số vị chưa hết nhiệm kỳ đã đổ bệnh, xin nghỉ, có trường hợp phải điều trị kéo dài, hay mất khi chưa được nửa nhiệm kỳ, GS Nhung cho rằng cán bộ cấp chiến lược trước hết phải khỏe. “Có sức khỏe dẻo dai ở mức cao, chịu được sức ép từ mọi phía là điều rất quan trọng, phải rèn luyện thể thao để gìn giữ sức khỏe, không thể có một trí tuệ minh mẫn trên một cơ thể ốm yếu” - GS Nhung nói. Cũng theo GS Nhung, ngoài sức khỏe dẻo dai, cán bộ chiến lược phải có tầm nhìn, trái tim nhân hậu, có kỹ năng sống, tiếng Anh và hiểu biết công nghệ thông tin - nền tảng quan trọng cho giai đoạn phát triển hiện nay và sắp tới. |