Cán bộ sáng tạo vì lợi ích chung thì không hình sự hóa

(PLO)- Lằn ranh sáng tạo và vi phạm rất mong manh, chế độ khen thưởng kịp thời, xứng đáng còn hạn chế nhưng khi sai phạm thì xử lý rất nghiêm...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 14-6, tại Học viện Cán bộ TP.HCM đã diễn ra tọa đàm cụ thể hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung tại TP.HCM.

Tại hội nghị, lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện đã chia sẻ, góp ý nhiều nội dung liên quan đến chủ trương này.

Giám đốc Sở Nội vụ TP Huỳnh Thanh Nhân cho rằng cán bộ không ngại nhưng sợ nếu như sáng tạo đó mang lại hậu quả hoặc thiệt hại ngoài ý muốn.

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: LÊ THOA

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: LÊ THOA

“Thực tế cái lo ngại, cái sợ trong thời gian qua thấy rõ qua những vụ việc xảy ra trên địa bàn TP đã ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng của cán bộ công chức TP trong việc tham mưu của mình chứ chưa nói đến sáng tạo” - ông Nhân nhìn nhận và cho biết thực tế có những vụ việc hôm nay đánh giá là gương điển hình nhưng ngày mai lại là vi phạm.

Còn Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Trần Văn Bảy nhớ lại cách đây hai năm khi ông tham mưu, đề xuất lãnh đạo TP giải quyết khiếu kiện liên quan đến Khu công nghệ cao (quận 9 cũ) thì đã nghe đến việc trung ương chuẩn bị ban hành văn bản để bảo vệ cán bộ.

“Trong đầu tôi nghĩ trung ương phải ban hành một nghị quyết thì mới xứng tầm chứ không phải một kết luận” - ông Bảy nêu và đề nghị sau này khi sơ kết, tổng kết thì nên nâng tầm lên thành nghị quyết.

Theo ông Bảy, khi xử lý trách nhiệm cán bộ thì chủ yếu căn cứ vào quy định pháp luật. Do đó, từ tinh thần của Kết luận 14 phải pháp lý hóa, thể chế hóa thành các quy định cụ thể.

Ông Bảy cho biết hằng ngày các sở, ngành, quận, huyện tham mưu cho TP xử lý những sự vụ cụ thể đều đụng chạm đến pháp luật. Có những vấn đề pháp luật chưa quy định, có những vấn đề xung đột pháp luật. Ông cho rằng đây chính là lo lắng của cán bộ công chức, cần tháo gỡ khi thực hiện Kết luận 14.

Đáng chú ý, phó giám đốc Sở TN&MT đề xuất nếu cán bộ năng động, sáng tạo với động cơ trong sáng, vì lợi ích chung mà có rủi ro thì không hình sự hóa để cán bộ yên tâm. Sau đó mới tính đến trách nhiệm, xử lý hành chính hay chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

“Khoa học tự nhiên đưa vào phòng thí nghiệm là biết ngay đúng - sai, hiệu quả hay không; còn khoa học xã hội là phải thí điểm, làm thử” - ông Bảy nói thêm.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải nhìn nhận khi nhận được Kết luận 14 của Bộ Chính trị, trong cán bộ đã có nhiều suy nghĩ khác nhau.

Một số cán bộ thấy mừng vì kết luận này được ban hành vào thời điểm khó khăn chung trong quản lý nhà nước.

“Khi tôi họp hai lần thì có ý kiến hoài nghi việc triển khai này có đáp ứng được nhu cầu đổi mới, sáng tạo không và có bảo vệ được cán bộ nếu đổi mới, sáng tạo đó bị sai sót không?” - ông Hải nói.

Theo ông, khi Kết luận 14 ra đời, đối với TP.HCM lại càng thấy quan trọng, kịp thời. Do thời gian qua trên địa bàn TP đã xảy ra nhiều sơ sót, sai phạm, có cả sai phạm tập thể chứ không chỉ cá nhân từng đồng chí trong quản lý điều hành.

Ông cũng nhìn nhận lằn ranh sáng tạo và vi phạm rất mong manh, chế độ khen thưởng kịp thời, xứng đáng còn hạn chế nhưng khi sai phạm thì xử lý rất nghiêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm