'Cán bộ sợ sai' làm nóng nghị trường

(PLO)- Các đại biểu soi chiếu nhiều góc độ, trong đó có hành lang pháp lý cho việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại phiên thảo luận ở Quốc hội (QH) ngày 31-5, nhiều tấm biển đề nghị được tranh luận giơ lên sau phát biểu của đại biểu (ĐB) QH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) về hiện tượng cán bộ đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm...

“Điếc không sợ súng”

Ông Trần Quốc Tuấn đặt vấn đề: Vì sao hiện tượng đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm đến nay mới xuất hiện, lan rộng từ trung ương đến địa phương, từ khu vực công đến khu vực tư?

Ông cho rằng có hai nhóm cán bộ sợ trách nhiệm là nhóm suy thoái về tư tưởng chính trị, né tránh, sợ trách nhiệm, không muốn làm... vì không có lợi ích riêng.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (trái) và đại biểu Trần Hữu Hậu tranh luận tại hội trường ngày 31-5. Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (trái) và đại biểu Trần Hữu Hậu tranh luận tại hội trường ngày 31-5. Ảnh: PHẠM THẮNG

Theo ông Tuấn, nhóm cán bộ này có thể khắc phục được ngay bằng cách thay thế họ vì chúng ta không thiếu cán bộ tốt.

Còn nhóm thứ hai, chiếm số đông, là những cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm và đây là trở lực lớn nhất gây tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống.

“Tôi đã chứng kiến bên hành lang kỳ họp này, hai vị ĐBQH cùng tranh luận về một điều khoản luật đang còn hiệu lực. Cuộc tranh luận ấy khiến tôi hết sức tâm tư và lo lắng” - ông Tuấn lo ngại việc tương tự có thể xảy ra ở khối hành pháp...

Nguyên nhân còn lại, theo ông là công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng đi vào thực chất cùng với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt và ngày càng hiệu quả…

Giơ biển tranh luận, ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) nói nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm mà ĐB Tuấn nêu là đúng nhưng vấn đề không chỉ như vậy.

Theo ông, nếu cán bộ thực thi chức trách, công vụ mà có hành lang pháp lý rõ ràng, phù hợp thì phần đông chỉ nỗ lực làm tốt hơn, chẳng có gì phải sợ. Thế nhưng thực tế, trong không ít các việc lớn, nhỏ, nếu cán bộ quyết định thực hiện để đem đến hiệu quả cho dân, cho nước sẽ “phải vi phạm không nhiều thì ít các quy định”.

“Những người thấy làm sai quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước dù vì lợi ích chung mà không biết sợ thì có lẽ là “điếc không sợ súng”, hoặc thiếu ý thức tổ chức kỷ luật” - ĐB Hậu nói.

Vướng mắc nằm trong quy định

Vị ĐBQH tỉnh Tây Ninh cũng lo ngại việc bảo vệ người dám nghĩ, dám làm có vẻ bất khả thi. Bởi bảo vệ họ, trong nhiều trường hợp, là bảo vệ việc làm sai quy định, sai pháp luật.

“Khi ấy lại cần có việc bảo vệ - người bảo vệ - người dám nghĩ, dám làm. Cứ theo bậc thang, có thể phải lên đến QH vì cái vướng mắc để họ phải dám nghĩ, dám làm nằm trong sự chưa phù hợp, sự mâu thuẫn của các luật hiện hành” - vẫn lời ĐB Hậu.

Cũng theo ĐBQH tỉnh Tây Ninh, việc cấp dưới hỏi xin ý kiến, chờ chỉ đạo của cấp trên, thậm chí được giao nhiệm vụ rõ ràng rồi nhưng “càng đi sâu vào thực hiện càng thấy vướng” nên lại chuyển ngược lên cấp trên xin ý kiến rồi mới làm đang trở thành phổ biến và có khi lại là, được cho là… phương pháp hợp lý nhất.

“Việc xây dựng để ban hành chính nghị định về khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm dường như cũng gần như vậy” - ông Hậu nhận xét...

Sau khi phân tích nhiều vấn đề để cán bộ dám làm, ông nói: “Tôi rất thấm thía lời của Thủ tướng trong trả lời một chất vấn của tôi: “Luật là do chúng ta. Trong thực tiễn đang vướng, mà vướng là do chúng ta đặt ra, vậy thì chúng ta sửa”. Tuy nhiên, để sửa những quy định bất hợp lý do chính chúng ta đặt ra lại quá khó khăn”.

Bao nhiêu người cho đứng sang một bên?

Tranh luận với các ĐB đã phát biểu, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng cần phải bắt đúng bệnh.

Dẫn câu chuyện đầu tư công, ông Hạ nhận xét: Trung ương, Thủ tướng, Chính phủ đã rất quyết liệt nhưng vẫn không chấn chỉnh được tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Ông cho biết các cán bộ cơ sở khi trao đổi với ông nói rằng: “Chúng em là cán bộ mà không làm thì lãnh đạo xử đến nơi đến chốn. Nhưng cái khó là tham mưu phải đúng quy định, đồng thời phải đúng ý chỉ đạo của sếp”. Kể lại câu chuyện này, ông Hạ cho rằng không xử lý được cán bộ không chịu tham mưu.

“Chúng ta phải quyết tâm, quyết liệt xử lý những người đứng đầu. Bây giờ tổng kết xem đã xử lý được bao nhiêu người đứng đầu, có bao nhiêu người “cho đứng sang một bên” khi không làm được việc. Tôi cho rằng đây mới là điểm chính” - ông Hạ kết luận.

Cần thiết sẽ báo cáo Quốc hội để thí điểm

Giải trình về vấn đề liên quan đến tình trạng cán bộ, công chức, viên chức né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm; cải cách hành chính; chính sách tiền lương… Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa nhận có thực trạng cán bộ, công chức “né tránh không dám làm, sợ sai” trong thực thi công vụ ở các bộ, ngành và địa phương.

Bà nêu hàng loạt nguyên nhân giống như các ĐB đã đề cập và cho biết kỷ cương, kỷ luật hiện nay đang được siết chặt. Hàng loạt cán bộ, công chức bị kỷ luật, khởi tố, truy tố do sai phạm nghiêm trọng dẫn đến tâm lý một bộ phận cán bộ, công chức sợ sai và sợ trách nhiệm.

Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng ngoài nâng cao nhận thức, trách nhiệm, chấn chỉnh tư tưởng cán bộ, công chức thì cần thể chế hóa chủ trương bảo vệ, khuyến khích cán bộ đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Bà thông tin bộ đã hoàn thành lấy ý kiến của 63 tỉnh, thành, các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia; Bộ Tư pháp đã thẩm định. Tuy vậy vẫn còn một số vướng mắc về pháp lý, thẩm quyền. “Nếu cần thiết thì phải báo cáo QH để QH có nghị quyết thí điểm mới có thể khuyến khích, bảo vệ cán bộ khi cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo” - bà Trà nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm