Cán bộ trẻ phải 'cùng chuyển động' với chính quyền đô thị

Chiều 10-3, Đoàn Khối Dân - Chính - Đảng TP.HCM đã tổ chức tọa đàm “Phát huy cán bộ, công chức, viên chức trẻ trong xây dựng chính quyền đô thị” nhằm hưởng ứng chủ đề năm 2021 của TP là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”.

Anh Trần Đỗ Nam Long, Bí thư quận đoàn 1, ấp ủ việc xây dựng ‘hệ sinh thái’ cho người dân quận 1. Ảnh: LÊ THOA

Đề xuất cán bộ trẻ kiêm nhiệm tổ dân phố

Tại buổi tọa đàm, anh Trần Đỗ Nam Long, Bí thư Quận đoàn 1, cho biết mình ấp ủ việc xây dựng “hệ sinh thái” cho người dân quận 1, phục vụ quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Người dân khi tham gia các hoạt động tại địa phương, chẳng hạn như phân loại rác tại nguồn… thì có thể tích được một số điểm cụ thể. Số điểm này sẽ được quy đổi thành tiền, khi người dân đến UBND phường, quận làm thủ tục có thể dùng số điểm này để trả phí mà không cần dùng tiền mặt.

Anh Đinh Chí Thành, Bí thư Quận đoàn 8, đề cập việc người dân băn khoăn về phát huy dân chủ khi thực hiện chính quyền đô thị. Anh mong Quốc hội sớm thông qua luật thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc, cơ chế minh bạch, rõ ràng để thực hiện quyền dân chủ cơ sở.

Theo anh Thành, áp lực của chủ tịch UBND quận, phường khi thực hiện chính quyền đô thị với chế độ thủ trưởng là liên quan đến thời gian, quy trình giải quyết thủ tục giữa các cơ quan hành chính với nhau.

“Nên chăng xây dựng quy định thời hạn cụ thể theo tiêu chuẩn ISO khi giải quyết văn bản kiến nghị của cấp dưới với cấp trên, của sở/ngành, quận/huyện với nhau. Việc này sẽ tránh tình trạng ngâm hồ sơ hoặc bổ sung tới lui nhiều lần. Thậm chí công khai trên cổng thông tin điện tử tiến độ giải quyết hồ sơ, có vậy mới giảm tải áp lực cho quận, phường” - anh Thành đề xuất.

Bí thư Quận đoàn 8 cũng đề xuất việc để cán bộ trẻ cấp quận kiêm nhiệm thêm chức danh tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố. “Nghị quyết 06 của HĐND TP cũng khuyến khích cán bộ kiêm nhiệm chức danh cán bộ không chuyên trách” - anh Thành nói thêm.

Chị Nguyễn Thị Minh Hồng, Bí thư Thành đoàn TP Thủ Đức kiến nghị cơ chế đặc thù riêng cho TP Thủ Đức. Ảnh: LÊ THOA

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Minh Hồng, Bí thư Thành đoàn TP Thủ Đức, nêu ý kiến: Hiện nay UBND TP Thủ Đức chỉ có một phó chủ tịch quận thực hiện ký hồ sơ, giấy tờ… Thiết nghĩ cần có cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho TP Thủ Đức, chẳng hạn có thể giao quyền ký một số giấy tờ cho cấp phường nhằm giảm tải áp lực cho cấp TP.

Động lực phát triển của TP là cán bộ trẻ

Phát biểu đề dẫn, bà Châu Minh Hiền, Ủy viên Ban thường vụ Đoàn Khối, Bí thư Đoàn Sở Nội vụ, nhìn nhận TP.HCM xây dựng chính quyền đô thị trước hết là nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền TP.

Ngoài ra, đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, hướng đến xây dựng đô thị thông minh, huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của TP. Mục tiêu chính và xuyên suốt nhất vẫn là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Theo bà Hiền, tổ chức chính quyền đô thị TP.HCM là bước khởi đầu cho một hành trình lâu dài, hướng đến sự phát triển bền vững của TP. Do đó, để đạt được kết quả tốt nhất, TP cần tập trung mọi nguồn lực sẵn có, từ tài chính, nhân lực đến phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất.

“Động lực phát triển của TP chính là sự chuyển động của mọi người, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức trẻ. Chúng ta cần ý thức và phát huy vai trò năng lực của mình, chung tay xây dựng chính quyền đô thị TP.HCM chuyên nghiệp, hiện đại hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn” - bà Hiền nhấn mạnh.

Ông Hà Phước Thắng, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM gửi gắm, đặt hàng nhiều vấn đề đối với đội ngũ cán bộ trẻ TP. Ảnh: LÊ THOA

Phát buổi tại buổi tọa đàm, ông Hà Phước Thắng, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM, cho rằng với thế mạnh công nghệ, tổ chức đoàn thấy mô hình nào hay có thể góp ý cho chính quyền làm tốt mô hình chính quyền đô thị; tăng tỉ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 4; phát huy vai trò giám sát ở những nơi không có HĐND quận, phường… “Cần có nhóm các bạn trẻ phụ trách từng lĩnh vực như quy hoạch, kinh tế… để hiến kế cho chính quyền quận, huyện” - ông Thắng đề nghị.

Ông Võ Ngọc Quốc Thuận, Bí thư Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TP.HCM, cũng gửi gắm cán bộ, công chức, viên chức trẻ cần phát huy vai trò của đoàn viên thanh niên, sức trẻ trong cơ quan, đơn vị của mình; góp phần thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM.

 Thông qua nghị định về chính quyền đô thị vào tháng 3-2021

Ông Nguyễn Thanh Duy, Bí thư đoàn Văn phòng UBND TP.HCM, đã chia sẻ quá trình tham mưu quyết liệt của Văn phòng UBND TP trình các cơ quan có thẩm quyền trong việc ban hành các nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.

Theo ông Duy, Văn phòng UBND TP đang tích cực phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ hoàn chỉnh dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM để sớm trình Chính phủ xem xét, thông qua. Dự kiến Chính phủ sẽ thông qua trong tháng 3-2021.

Văn phòng UBND TP cũng đang tham mưu cho UBND TP chỉ đạo các sở, ban, ngành sớm hoàn chỉnh đề án về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức thuộc TP.HCM, nơi được kỳ vọng sẽ là hạt nhân tăng trưởng mạnh mẽ của TP.HCM, của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm