Như PLO đã đưa tin, ngày 3-3, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang vừa ký ban hành Chỉ thị về việc thực hiện nghiêm quy định không điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia.
Theo UBND tỉnh này, thời gian qua, tình hình trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, gần đây số vụ, số người tử vong và bị thương do TNGT có liên quan đến rượu, bia đang có chiều hướng gia tăng. Đáng quan tâm, trong số đó có cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của tỉnh.
Do đó, chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cũng yêu cầu lực lượng CSGT Công an tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
“Trường hợp phát hiện người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thì thông báo cho cơ quan, đơn vị mà người vi phạm đang công tác để xử lý theo quy định. Đồng thời, báo cáo về Sở Nội vụ để tổng hợp, theo dõi, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định”- UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị.
Một số người dân không đồng tình với việc gửi sai phạm giao thông về cơ quan. Ảnh: PLO |
Liên quan đến vấn đề này, bạn đọc có tài khoản tên Thongtm bình luận trên PLO như sau: “Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu nếu phát hiện người vi phạm nồng độ cồn là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thì thông báo cho cơ quan, đơn vị mà người vi phạm đang công tác để xử lý theo quy định. Điều này có vẻ không được đúng lắm, bởi những điều sau đây:
1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật: Dân thường vi phạm thì khác công chức, viên chức... vi phạm sao? Chưa thấy có văn bản QPPL nào qui định CSGT phải thông báo cho cơ quan người vi phạm.
2. Một hành vi vi phạm hành chính thì chỉ bị xử lý 1 lần- đã bị xử phạt VPHC về giao thông rồi thì không thể xử phạt gì khác nữa! Trừ trường hợp Luật qui định khác!
3. Người không thuộc Tỉnh Hậu Giang quản lý thì xử lý thế nào?
Đây cũng là một vấn đề được nhiều người dân quan tâm và gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Trao đổi với PLO, luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM cho hay, theo Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), quy định trong thời hạn hai ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt biết.
“Do đó, CSGT có hai hình thức để gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính là giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện cho cá nhân, tổ chức vi phạm giao thông. Từ căn cứ trên có thể CSGT gởi về cho người vi phạm. Hành vi nào vi phạm thi xử hành vi đó, tránh lạm dụng”- luật sư Tuấn phân tích.
Luật sư cũng nói thêm, nếu có vi phạm khác thi căn cứ quy định mà xem xét như: Đối với cán bộ: Điều 78 Luật Cán bộ công chức 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định các hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm.
Đối với công chức: Điều 79 Luật Cán bộ công chức 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định các hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.
Đối với đảng viên thì cần cứ điều lệ Đảng xem xét.
“Cần phải xem xét vi phạm luật giao thông thì xử lý theo Luật Giao thông. Luật chưa đủ răn đe thì kiến nghị sửa đổi hoặc phạt nặng hơn chứ thông báo về cơ quan để làm gì? Việc công ra công, tư ra tư, thì không nên nhập nhằng hai việc này?”- luật sư Tuấn nhấn mạnh.