Phản ánh của chín doanh nghiệp vận tải xe buýt tuyến Quảng Nam - Đà Nẵng với báo chí cho biết đầu năm 2017, Sở GTVT TP Đà Nẵng có văn bản đề xuất với UBND thành phố này về việc điều chỉnh tuyến xe buýt liền kề của hai địa phương Quảng Nam_Đà Nẵng không cho chạy vào trung tâm thành phố. Chính đề xuất này có thể dẫn đến việc “khai tử” cả chục doanh nghiệp vận tải.
Thấp thỏm lo phá sản
Chín doanh nghiệp vận tải các tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam gồm Công ty CP Xe khách và DVTM Đà Nẵng, HTX Dịch vụ Vận tải Hải Vân, Công ty CP Giao thông Vận tải Quảng Nam, HTX Vận tải và Kinh doanh tổng hợp Tam Kỳ, HTX Vận tải Thủy bộ Du lịch Hội An, HTX Vận tải và Dịch vụ tổng hợp huyện Duy Xuyên, Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam, Công ty TNHH KDTH Đại Lộc, Công ty TNHH Vận tải Đại Lộc, HTX Vận tải cơ giới đường bộ huyện Quế Sơn.
Gần trăm xe buýt có thể ngừng hoạt động đẩy nhiều doanh nghiệp vận tải đến bờ vực phá sản.
Theo các chủ doanh nghiệp vận tải nói trên, gần 20 năm hoạt động của năm tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam – Đà Nẵng không có trợ giá với gần 100 đầu xe và mỗi ngày vận chuyển gần 10 ngàn lượt khách. Cụ thể, gồm các tuyến Hội An – Đà Nẵng, Tam Kỳ - Đà Nẵng, Quế Sơn – Đà Nẵng, Phú Đa – Đà Nẵng và Ái Nghĩa – Đà Nẵng. Nay nếu việc UBND thành phố Đà Nẵng đồng ý với đề xuất của phía Sở GTVT của thành phố thì sẽ đẩy những doanh nghiệp này đến chỗ khó khăn.
Theo đó, nếu đề xuất được chấp thuận cũng đồng nghĩa với việc các xe buýt phải dừng trả và đón khách ở bên ngoài thành phố. Trong khi đó, từ trước đến nay hành khách đã quen với việc đưa đón trong trung tâm thành phố, nay lại phải thêm một chuyến xe khác mới vào được trung tâm thành phố thì sẽ rất bất tiện. Các doanh nghiệp lo ngại sẽ không còn khách hàng đi xe nữa, sẽ phá sản, gần trăm xe buýt chỉ bán sắt vụn và 300 lao động phải nghỉ việc.
Chính vì vậy, ngay sau khi phía Sở GTVT Đà Nẵng đề xuất chủ trương trên, chín doanh nghiệp vận tải ở hai tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng đã có kiến nghị bằng văn bản gửi UBND thành phố Đà Nẵng và Sở GTVT thành phố này để kêu cứu. Nội dung bản kiến nghị chủ yếu là việc điều chỉnh lộ trình tuyến xe buýt kiền kề giữa tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng theo hướng không đi vào khu vực nội thành thành Đà Nẵng được áp dụng vào đầu năm 2019 sẽ là bản án tử đối với năm tuyến xe buýt với gần 100 đầu xe và 300 lao động của chín doanh nghiệp vận tải.
Mối lo “xe dù, bến cóc” sau khi cấm xe buýt
Cũng trong văn bản kiến nghị gửi UBND, Sở GTVT của Quảng Nam và Đà Nẵng, các doanh nghiệp cũng đề nghị được hoạt động song song cùng với các xe buýt được trợ giá. Đồng thời, những chủ doanh nghiệp vận tải này cũng cam kết sẽ đầu tư trang thiết bị mới như camera và điều hòa để cạnh tranh sòng phẳng với các xe được trợ giá của TP Đà Nẵng. Bởi theo họ, việc vận chuyển hành khách đã gần 20 năm không được trợ giá nhưng vẫn đảm bảo việc đi lại của thuận tiện của người dân hai địa phương.
Giám đốc Công ty CP GTVT Quảng Nam, ông Ông Văn Dũng cho rằng việc cấm không cho vào nội thành mà chỉ chạy đến bến phía Nam của thành phố thì chẳng khác gì xe chạy tuyến cố định, không thể đáp ứng được việc đi lại thường xuyên của người dân trong nội thành như trước đây.
"Hành khách phải thêm một lần mua vé để vào nội thành, chúng tôi lo ngại các loại “xe dù, bến cóc” sẽ thuận đà phát triển rất khó kiểm soát”, ông Dũng nói.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 25-4, trong công văn gửi UBND TP Đà Nẵng, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, cũng đã đề nghị UBND TP Đà Nẵng nghiên cứu, trước mắt tạm dừng, chưa thực hiện điều chỉnh hành trình các tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam – Đà Nẵng theo quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP Đà Nẵng giai đoạn 2013 – 2020 và tầm nhìn 2030 đã được phê duyệt.
Một số chủ doanh nhiệp vận tải tuyến xe Quảng Nam - Đà Nẵng phản ánh với báo chí.
“Đề nghị rà soát nội dung điều chỉnh hành trình và cho đi vào nội thành Đà Nẵng... UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị nghiên cứu nâng cao chất lượng vận tải hành khách bằng xe buýt với các tuyến liền kề Quảng Nam – Đà Nẵng, theo hướng nâng cấp các tuyến hiện có hoặc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư mới trang thiết bị”, văn bản của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam có nêu.
Trong khi chờ quyết định của lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, gần chục doanh nghiệp và hàng trăm lao động đang thấp thỏm, lo lắng. Những doanh nghiệp này muốn được đối thoại với lãnh đạo thành phố để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng , tuy nhiên mong mỏi đó vẫn chưa được đáp ứng.