Ngày 18-9, nữ Thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ Ruth Bader Ginsburg đã qua đời ở tuổi 87 tại nhà riêng ở thủ đô Washington, D.C. do căn bệnh ung thư tuyến tụy đã di căn, kênh CBS đưa tin.
Thông báo về sự ra đi của bà Ginsburg - một nhân vật có một không hai trong lịch sử luật pháp Mỹ đã dẫn đến hai câu hỏi: Liệu Tổng thống Donald Trump có thể chọn người kế nhiệm bà Ginsburg trước khi kết thúc nhiệm kỳ không? Và nếu được, người đó sẽ là ai?
Bà Ruth Bader Ginsburg. Ảnh: REUTERS
Thượng viện có thể lấp đầy chỗ trống trước cuộc bầu cử?
Chỉ vài ngày trước khi qua đời, bà Ginsburg nói với cháu gái Clara Spera rằng bà không muốn vị trí trống của mình được lấp đầy cho đến khi tổng thống mới nhậm chức, theo tờ NPR.
"Mong muốn nhiệt thành nhất của bà là vị trí của bà sẽ không bị thay thế cho đến khi có tổng thống mới" - bà Ginsburg nhắn cho cháu gái Spera.
Bất chấp việc này, vài giờ sau khi bà Ginsburg được xác nhận qua đời, ông Mitch McConnell - lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện cho biết ông sẽ đảm bảo một ứng cử viên do ông Trump đề cử sẽ được bỏ phiếu tại Thượng viện trong năm nay.
Hành động của ông McConnell vấp phải nhiều phản đối vì trước đó thẩm phán Antonin Scalia qua đời vào ngày 13-2-2016 - chín tháng trước cuộc bầu cử diễn ra, ông đã lợi dụng ưu thế của đảng Cộng hòa để ngăn chặn một cuộc bỏ phiếu đối với ứng viên Tổng thống Barack Obama. Theo ông, việc lựa chọn nên để tổng thống tiếp theo thực hiện, khiến chiếc ghế thẩm phán bị bỏ trống trong gần chín tháng.
Mặc dù ông McConnell đã hứa cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra, theo hãng tin AP, các đề cử thẩm phán trước đây phải mất khoảng 70 ngày mới được chuyển qua Thượng viện. Trong khi đó, bà Ginsburg mất chỉ 45 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống năm nay.
Tuy nhiên, nếu đề cử không được xác nhận trước cuộc bầu cử, đảng Cộng hòa vẫn có thể bỏ phiếu cho người ông Trump đề cử trong giai đoạn “lame duck" (thời gian từ sau cuộc bầu cử đến khi Quốc hội tiếp theo tiếp quản quyền lực).
Tham vọng của đảng Cộng hòa
Hiện đảng Cộng hòa đang tìm cách lấp chỗ của bà Ginsburg bằng một thẩm phán bảo thủ nhằm chiếm nhiều ưu thế tại Toà án tối cao. Điều này nhằm đảm bảo ngay cả khi ông Trump thất bại trong cuộc bầu cử năm nay thì đảng Cộng hòa vẫn có lợi thế ở Tòa án tối cao.
Ngày 19-8, ông Trump khẳng định trên trang Twitter cá nhân rằng việc lựa chọn thẩm phán Tòa án Tối cao là "nghĩa vụ không được chậm trễ".
Theo tờ New Yorker, rất có thể ông Trump và ông McConnell sẽ tìm được cách để đưa một ứng cử viên đảng Cộng hòa vào Tòa án tối cao trong năm nay. Để đạt được mục tiêu này, ông McConnell sẽ cần ít nhất 50 phiếu ủng hộ của các thượng nghị sĩ để có thể áp dụng quy tắc phá vỡ thế cân bằng.
Một nguồn tin giấu tên đã tiết lộ bản danh sách ứng viên rút gọn của ông Trump có hai nhân vật là các nữ thẩm phán các tòa án phúc thẩm cấp liên bang, theo hãng tin Reuters.
Hiện, ứng cử viên hàng đầu cho vị trí này là bà Amy Coney Barrett, 48 tuổi, một người Công giáo sùng đạo và là một người theo phe cánh hữu của đảng Cộng hòa.
Bà nhận được nhiều sự ưu ái vì tuổi đời còn trẻ và có thể phục vụ nhiều năm ở Tòa tối cao. Đồng thời, bà cũng được xem là một người có thể đối đầu với đảng Dân chủ khi vào năm 2017, bà từng có một cuộc tranh luận gay gắt với một ứng viên đảng Dân chủ về niềm tin tôn giáo của bà.
"Không bao giờ là thích hợp để một thẩm phán áp đặt định kiến của mình, cho dù chúng xuất phát từ đức tin hay bất cứ nơi nào khác, vào luật pháp" - bà Barrett đáp lại một cách gay gắt.
Ứng viên còn lại trong danh sách rút gọn là bà Barbara Lagoa - người Mỹ gốc Cuba đầu tiên phục vụ tại Tòa án Tối cao Florida.
Theo kênh BBC, ông Trump cho biết sẽ đưa ra quyết định đề cử chính thức vào tuần tới.