Nữ thẩm phán tối cao thứ hai của Mỹ

Tối cao Pháp viện (Tòa án Tối cao - TATC) Hoa Kỳ vừa cử thẩm phán đầu tiên tới làm việc với TAND Tối cao Việt Nam (VN) theo lời mời của Chánh án Trương Hòa Bình. Đó là Phó Chánh án Ruth Bader Ginsburg, nữ thẩm phán tối cao thứ hai trong lịch sử tư pháp Mỹ. 82 tuổi, nhỏ bé nhưng giọng nói vẫn rất rành rọt, từ tốn, bà có buổi chia sẻ thông tin với một số cơ quan báo chí trong nước.

“Hiến pháp là Kinh thánh”

. PV:Bà là nữ thẩm phán tối cao thứ hai được bổ nhiệm ở Hoa Kỳ. Câu chuyện đó diễn ra thế nào?

+ Bà Ruth Bader Ginsburg: Đấy là câu chuyện tôi không bao giờ nghĩ đến cho tới khi nó xảy ra.

Cho tới khi tôi tốt nghiệp luật khoa thì TATC Hoa Kỳ chưa có nữ thẩm phán nào cả. Hồi ấy vẫn còn nhiều rào cản với nữ giới trong lao động. Tới năm 1960, Nghị viện thông qua đạo luật rất quan trọng, chống phân biệt đối xử trong lao động, coi việc từ chối tuyển dụng nữ là bất hợp pháp.

Nhưng đó chưa phải thay đổi lớn. Phải tới Tổng thống Jimy Carter nhìn thấy thực tế đất nước đa chủng tộc, tài năng xuất thân từ nhiều tầng lớp, bao gồm cả phụ nữ hoặc từ sắc dân thiểu số nhưng bộ máy nhà nước lại toàn là nam giới. Ông đi đến quyết tâm thay đổi, bổ nhiệm những người thuộc sắc dân thiểu số và nữ với số lượng lớn chứ không làm hình thức.

Tổng thống Carter đã bổ nhiệm 25 nữ thẩm phán ở cấp sơ thẩm và 11 nữ ở cấp phúc thẩm. Tôi vinh dự nằm trong số 11 thẩm phán phúc thẩm này. Từ đó không tổng thống Mỹ nào quay trở lại cách làm cũ nữa.

Phó Chánh án Ruth Bader Ginsburg trong buổi gặp gỡ báo chí ngày 11-8. Ảnh: Nghĩa Nhân

Đến năm 1981, Hoa Kỳ có nữ thẩm phán TATC đầu tiên. Bà xuất thân là nhà lập pháp - chủ tịch Thượng viện tiểu bang Arizona. Từ vị trí thẩm phán sơ thẩm, bà được bổ nhiệm thẩm phán phúc thẩm và cuối cùng trở thành nữ thẩm phán đầu tiên của TATC Hoa Kỳ.

. Bà nhiều tuổi và với truyền thống Á Đông chúng tôi, bà rất đáng kính. Nhưng đó lại là một trong nhiều sự khác biệt với hệ thống của Hoa Kỳ: VN không có thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời. Sự khác biệt đó có gây khó khăn gì cho sự hợp tác giữa hai nước, hai tòa án?

+ Hoa Kỳ là nước duy nhất trên thế giới bổ nhiệm thẩm phán trọn đời. Hiến pháp của chúng tôi được viết năm 1787 và khuôn khổ của bản Hiến pháp này cũng rất quan tâm đến vấn đề tham nhũng, làm thế nào để đảm bảo sự độc lập của các thẩm phán.

Có hai quy định, một là các thẩm phán tòa án liên bang - gồm cấp sơ thẩm, phúc thẩm và tối cao - được giữ chức vụ này chừng nào còn cư xử đúng mực. Có nghĩa là một thẩm phán chỉ bị mất chức khi có những vi phạm pháp luật và đạo đức nghiêm trọng - mà việc này rất hiếm khi xảy ra. Hai là mức lương của thẩm phán không bị giảm trong thời gian giữ chức. Như vậy, dù nghị viện có không thích phán quyết của thẩm phán, họ không thể tác động nhằm cắt giảm lương của thẩm phán đó.

Hầu hết các nước trên thế giới áp dụng chế độ bổ nhiệm một lần nhưng có tuổi nghỉ hưu bắt buộc đối với các thẩm phán - như Canada là 75 tuổi, hoặc nhiệm kỳ rất dài không tái bổ nhiệm - như ở Đức đến 14 năm. Lý do là để các thẩm phán không phải lo lắng về vị trí của mình khi đưa ra các phán quyết. Trước kia các tiểu bang ở Mỹ cũng có quy định độ tuổi nghỉ hưu khoảng 70-75.

. Bà vừa rút ra trong túi một cuốn sổ nhỏ, hình như là bản Hiến pháp Hoa Kỳ. Là một thẩm phán tối cao, tại sao bà lại luôn mang theo Hiến pháp như vậy?

+ Bản Hiến pháp này đối với tôi là Kinh thánh, đi đâu trên thế giới tôi cũng mang theo.

Bản Hiến pháp bắt đầu bằng dòng chữ “Nhân dân chúng ta” và nhấn mạnh “để tạo dựng một liên bang mạnh”. Được viết năm 1787, khi đó: “Nhân dân” chỉ là một nhóm người đặc thù, là những người da trắng, có tài sản, được đi bầu cử và là đàn ông. Nhưng trong 200 năm qua, chúng tôi đã nỗ lực xây dựng một liên bang mạnh mẽ, để hôm nay Hiến pháp Mỹ bao gồm cả những người đã bị ra rìa trong những ngày đầu, nô lệ, thổ dân Mỹ, phụ nữ, những người trước đây không có quyền bầu cử.

Đó là lý tưởng cơ bản của bản Hiến pháp này. Công bằng, công lý, quyền con người, quyền công dân, không phải do cá nhân hay chính phủ nào bảo người dân phải làm, mà tự xã hội xây dựng nên. Vì thế tôi rất gắn bó với Hiến pháp.

Trừ tham nhũng, hãy trả lương thật cao

. Bà đã trao đổi với TAND Tối cao. Theo bà, hệ thống tư pháp VN có điểm gì cần cải thiện? Bà có lời khuyên gì để chống tham nhũng trong lĩnh vực này?

+ VN hiện đang trong quá trình cải cách tư pháp với việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013, có luật mới về tổ chức tòa án, mà TAND Tối cao từ chỗ có hơn 100 thành viên giờ chỉ còn 13-17 người, rồi còn những đạo luật mới đã và đang được xây dựng. Đây là thời điểm sôi động nhưng những cải cách này sẽ phát huy tác dụng thế nào trong thực tiễn thì vẫn phải chờ.

Tham nhũng là vấn đề mà mỗi hệ thống phải tự tìm cách giải quyết dựa trên tập quán của mình. Bạn có thể tham khảo cách bài trừ tham nhũng của Singapore là trả lương cực kỳ cao cho các thẩm phán. Họ có thể thu nhập tối thiểu 1 triệu USD một năm.

. Bà có khuyến nghị gì để VN tăng cường tranh tụng trong hoạt động xét xử?

+ Tôi chỉ gặp họ một tiếng đồng hồ. Phần lớn thời gian ông chánh án TAND Tối cao trình bày về hoạt đông của tòa, về kết quả cải cách tư pháp. Nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng người ngoài như tôi thì không đủ tư cách để nhận xét về việc thực hiện luật như thế nào. Tốt hơn là nên hỏi những người trong hệ thống hoặc những chuyên gia VN đã được học tập tại nước ngoài.

Các nước phương Tây theo hai hệ thống khác nhau: Hệ thống thông luật xuất phát từ Anh, mà Mỹ thừa hưởng và hệ thống dân luật dựa trên truyền thống của Pháp, Đức. Tôi nghĩ VN theo hệ thống dân luật nhưng gần đây đang bắt đầu đưa nhiều nguyên tắc của thông luật vào luật pháp của mình, trong đó có việc tăng cường tranh tụng thay vì xét hỏi…

Hôn nhân đồng giới là cả quá trình lâu dài

. Hồi tháng 6, TATC Hoa Kỳ đã ra phán quyết rằng hôn nhân đồng giới là hợp pháp. Quá trình này có khó khăn không và diễn ra như thế nào?

+ Đấu tranh để công nhận hôn nhân đồng giới của Mỹ là một quá trình lâu dài. Ở Mỹ, mỗi tiểu bang đều có hệ thống pháp luật cũng như quản trị riêng, do đó quá trình đấu tranh này cũng khác nhau. Như Massachuset là tiểu bang đầu tiên công nhận hôn nhân đồng giới, cách đây khoảng 10 năm.

Việc công nhận có thể dưới hai hình thức, do lập pháp ban hành hoặc phán quyết của tòa. Với TATC Hoa Kỳ thì trường hợp đầu tiên xét xử là liên quan đến một phán quyết của cấp dưới, tuyên chế tài hình sự với người có quan hệ đồng giới. Phán quyết của TATC Hoa Kỳ đã tuyên bố bản án kia là vi hiến.

Vụ việc thứ hai liên quan tới người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT). Tám tiểu bang không chấp nhận đưa những người này vào phạm vi điều chỉnh của luật chống phân biệt đối xử, cụ thể là trong lĩnh vực việc làm, nhà ở, phúc lợi xã hội. Vụ việc này được đưa lên TATC xét xử và chúng tôi phán quyết rằng quyết định của các tiểu bang này là vi hiến.

Nghị viện liên bang có thông qua một đạo luật, cho rằng hiệu lực công nhận hôn nhân đồng giới của từng tiểu bang chỉ giá trị trong tiểu bang đó thôi. Cho nên khi một cặp đôi đã được đăng ký ở New York mà chuyển sang sinh sống ở Mississippi - nơi chưa công nhận thì đăng ký của New York sẽ không có giá trị. Pháp luật liên bang không bảo hộ hay công nhận những quy định của pháp luật tiểu bang về vấn đề này.

. Tổng thống Bill Clinton là người tuyên bố bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt năm 1995. Cảm xúc của bà lúc đó thế nào?

+ Lúc đấy tôi đã là thẩm phán TATC ở thủ đô Washington rồi. Cuộc chiến tranh của Mỹ ở VN không phải là đề tài xa lạ gì với người dân Mỹ, đặc biệt với những người phản đối chính sách của chính phủ trong cuộc chiến này. Hồi ấy đã có nhiều cuộc biểu tình và phản đối. Với cá nhân tôi, cuộc chiến ấy có thể được coi là không lấy gì làm tự hào trong lịch sử Hoa Kỳ.

Tôi mong muốn mối quan hệ giữa hai quốc gia sẽ ngày càng phát triển bền vững trên cơ sở những gì chúng ta đang có. Nền tảng của nó chính là quan hệ giữa con người - người dân hai nước với nhau. Tôi tin rằng trong tương lai sẽ còn nhiều cuộc trao đổi hơn nữa, cả giữa người dân và giữa cộng đồng doanh nghiệp, từ thế hệ trẻ tới các phái đoàn cấp cao Chính phủ với nhau. Xin thông báo rằng tháng 9 tới sẽ có thêm những thẩm phán TATC Hoa Kỳ sẽ sang thăm, làm việc tại VN.

 _______________________________

Phó Chánh án Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ Ruth Bader Ginsburg sinh năm 1933, là một trong chín thẩm phán tối cao đương nhiệm. Trước khi được Tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm năm 1993 với 97 phiếu thuận, ba phiếu chống tại Thượng viện, bà đã trải qua các cương vị thẩm phán Tòa Phúc thẩm Khu vực D.C. (1980-1993); cố vấn pháp luật cho Liên đoàn Tự do dân sự Hoa Kỳ (1973-1980); giáo sư, Trường Luật Columbia (1972-1980); giáo sư, Trường Luật ĐH Rutgers (1963-1972).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm