Cận cảnh bàn cờ tư lệnh tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024

(PLO)- Bàn cờ tư lệnh do Đại tá Nguyễn Quý Hải sáng tạo ra với những quân cờ tương ứng với một loại vũ khí quân sự có mặt tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.

Theo ban tổ chức, từ 9h sáng 21-12 đến 15g ngày 22-12, người dân có thể tham quan Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.

Ngoài việc được chiêm ngưỡng các vũ khí, khí tài của Việt Nam và các nước. Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 người dân còn được trải nghiệm không gian văn hoá, nghệ thuật đặc sắc của dân tộc.

Đây là không gian để giới thiệu về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam kết hợp với truyền thống lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Không gian chủ yếu giới thiệu các hình ảnh, tư liệu, hiện vật trưng bày khái quát đặc trưng văn hóa Việt Nam; hiện vật, sa bàn, mô hình và hệ màn hình ghép trình chiếu các video, hình ảnh tư liệu giới thiệu về truyền thống, các mốc son lịch sử tiêu biểu về quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Sân khấu múa rối nước tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024. Ảnh: THUÝ HẰNG.

Trong không gian này, người dân còn được xem bàn cờ tư lệnh do Đại tá Nguyễn Quý Hải sáng tạo ra với những quân cờ tương ứng với một loại vũ khí quân sự.

Theo thông tin về bàn cờ tư lệnh trên Báo Quân khu 2, Đại tá Nguyễn Quý Hải còn là một nhà văn, ông nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Quân đội.

Bàn cờ tư lệnh tại triển lãm. Ảnh: THUÝ HẰNG.

Là người quân nhân cách mạng, Đại tá Nguyễn Quý Hải rất say sưa nghiên cứu về nghệ thuật quân sự Việt Nam, ông muốn đưa một phần tinh túy ấy vào môn Cờ Tư lệnh để tuyên truyền nghệ thuật giữ nước của cha ông ta đến thế hệ trẻ hiện nay.

Không gian văn hóa, nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam tại Triển lãm.
Clip: THUÝ HẰNG.

Theo Đại tá Hải, bàn cờ có 11 đường dọc, 12 đường ngang cắt nhau vuông góc tại 132 điểm. Có một khoảng trống ước lệ, đó là sông (màu xanh nhạt). Sông nằm ngang, chia bàn cờ thành hai phần đối xứng nhau, gọi là chiến tuyến.

Có hai dãy ô vuông chạy dọc suốt hai chiến tuyến, được quy ước đó là trên biển để có lực lượng hải quân tham chiến. Mỗi ván cờ lúc bắt đầu chơi có đủ 38 quân, số quân đó được chia đều cho hai bên: 19 quân đỏ, 19 quân xanh; bao gồm 11 loại quân, có biểu tượng tượng trưng cho các quân binh chủng hiện đại như bộ binh, xe tăng, máy bay, tàu chiến…, đặc biệt có cả đội dân quân tóc dài.

Quân cờ của bên xanh hoặc bên đỏ, chỉ khác nhau về màu sắc, còn ký hiệu, cách đi và cách "ăn" quân đối phương hoàn toàn giống nhau. Trong số 19 quân, có hai quân tượng trưng cho sở chỉ huy, chỉ đứng tại chỗ, không được đi và "ăn" quân của đối phương”.

Đại tá Nguyễn Quý Hải sinh năm 1932, quê Hà Nội, nhập ngũ từ năm 17 tuổi. Ông sớm trưởng thành trong môi trường quân ngũ. Là chiến sĩ pháo binh, ông từng tham gia các chiến dịch: Cao – Bắc – Lạng năm 1949; Điện Biên Phủ năm 1954 và thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Đại tá Nguyễn Quý Hải từng đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau: Giảng viên Văn hóa và quân sự Trường sĩ quan pháo binh; Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn pháo binh 38 bông lau trong chiến dịch thành cổ Quảng Trị năm 1972; Giám đốc Nhà hát kịch quân đội…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới