Cách trung tâm TP Đồng Hới khoảng 10 km, địa đạo Văn La là địa đạo đầu tiên và duy nhất hiện nay tại tỉnh Quảng Bình.
Điểm du lịch tiềm năng
Được triển khai đào vào tháng 6 năm 1966, địa đạo Văn La (thuộc thôn Văn La, xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) nằm cách Quốc lộ 1A khoảng 700m.
Địa đạo Văn La trước đây có chiều dài khoảng gần 150m, rộng 1,5m, cao khoảng 1,8m theo hình chữ L. Đáng chú ý, địa đạo được xây dựng gần với khu dân cư, nối cùng với hệ thống giao thông hào chằng chịt khắp trong thôn Văn La tạo thành một hệ thống phòng thủ vững chắc trong lòng đất trong những năm chiến tranh chống Mỹ.
“Hằng năm, vẫn có nhiều người dân về lại thăm cũng như đưa con cháu đến tham quan địa đạo. Do đó, một số ý kiến cũng cho rằng nếu có kinh phí tôn tạo một số hạng mục như: Bê tông hoá cửa vào chống sập, đầu tư hệ thống điện thắp sáng, vét hết đất bùn cho đến nền đất cũ… thì đây có thể là một điểm du lịch đầy tiềm năng”, ông Lê Trọng Nam (53 tuổi, Trưởng thôn Văn La, xã Lương Ninh) chia sẻ.
Theo lãnh đạo xã Lương Ninh, công trình địa đạo Văn La không chỉ thể hiện sự đoàn kết, gắn bó của Đảng bộ và nhân dân huyện Quảng Ninh mà còn tạo cơ sở vững chắc để nhân dân bám đất bám làng sản xuất, chiến đấu, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Trong suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước, địa đạo Văn La đã phát huy được tác dụng, làm nơi trú ẩn an toàn cho nhân dân. Đồng thời là điểm sơ tán cho những thương binh, những chiến sĩ lái xe chở hàng vào chiến trường vào đây trú ngụ.
Trùng tu nguyên trạng cần kinh phí lớn
Theo ghi nhận của PLO, năm 2005, địa đạo Văn La đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Tuy nhiên, địa đạo Văn La hiện nay chỉ còn một cửa vào ở hướng Đông Bắc, hai cửa còn lại đã bị lấp lại để phục vụ cuộc sống của người dân.
Hiện, người dân và du khách muốn vào tham quan địa đạo cũng chỉ có thể đi sâu cách cửa hang khoảng 40-50 mét.
Theo ông Lê Văn Tam, Chủ tịch UBND xã Lương Ninh, địa đạo Văn La phần phía trong và cửa hầm đã bị sập từ lâu, chỉ còn một cửa hầm với lối vào khoảng vài chục mét nên rất khó khôi phục cùng nguồn kinh phí rất lớn.
“Để khôi phục lại địa đạo Văn La đúng nguyên bản thì cần nguồn kinh phí rất lớn. Giờ chỉ bảo tồn di tích này là cửa vào địa đạo hiện có và khu vực sân, bia đá. Khu vực ngoài này cách đây ba năm cũng đã được huyện đầu tư kinh phí trùng tu, xây dựng cùng mong muốn giữ đúng nguyên hiện trạng”, ông Tam thông tin.
Liên quan vấn đề tôn tạo di tích địa đạo này, lãnh đạo Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Quảng Bình cho biết hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có gần 150 di tích được công nhận là di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Kinh phí hàng năm của tỉnh cấp cho việc sửa chữa tu bổ toàn bộ các di tích cũng chỉ từ khoảng 3 tỉ đến 6 tỉ đồng. Do đó, nguồn kinh phí này sẽ tập trung ưu tiên tôn tạo đối với các di tích xuống cấp nghiêm trọng.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Quảng Bình cho biết thêm: “Về di tích địa đạo Văn La, phía sở vẫn chưa nhận được đề xuất của địa phương về việc tôn tạo. Hằng năm, Sở cũng giao việc này cho Bảo tàng tổng hợp tỉnh quản lý, khảo sát cũng như đề xuất ưu tiên tôn tạo đối với các di tích xuống cấp nghiêm trọng, cần tu bổ khẩn cấp.
Ngoài ra, sở cũng phân cấp cho địa phương quản lý các di tích nên địa phương cũng phải có trách nhiệm trong việc trùng tu, tôn tạo. Tuy nhiên, thực tế về ngân sách của tỉnh và địa phương liên quan đến vấn đề này cũng còn nhiều khó khăn”.