Ngày 4-4, tại TP Cần Thơ, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (QH) đã tổ chức Hội thảo góp ý về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NHẪN NAM |
Tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho rằng Điều 17 của dự thảo cần giao thẩm quyền cho Chính phủ ban hành một nghị định riêng về cơ chế, chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS để đảm bảo tính bao quát, đặc trưng, phù hợp văn hóa vùng, miền của cộng đồng DTTS, thực tiễn của địa phương.
Cạnh đó, ông Trường đề nghị bổ sung chế tài trong Luật nhằm tránh tình trạng thâu tóm đất đai, nhất là đất sản xuất của đồng bào DTTS; quy định việc quản lý diện tích đất đã được Nhà nước hỗ trợ cho người dân, tránh trường hợp sau khi đất được hỗ trợ, người dân đem bán lại và tiếp tục trở thành người không có đất sản xuất, tạo gánh nặng cho chính quyền địa phương.
Ông Lê Sơn Hải – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NHẪN NAM |
Ông Lê Sơn Hải – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, cho rằng do trình độ dân trí của đồng bào DTTS không đồng đều, một bộ phận không nhỏ trình độ thấp, hiểu biết pháp luật và xã hội còn rất hạn chế, nghèo đói, lạc hậu và trở thành những người yếu thế.
Việc này dẫn tới đồng bào DTTS một số nơi bị lợi dụng và thâu tóm đất sản xuất, trở thành người không có đất sản xuất, thậm chí không có nơi ở, gây ra xung đột về quyền tiếp cận đất đai…
Vì vậy, ông Hải cho rằng cần xem xét, bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) một mục riêng quy định về đất đai đối với đồng bào DTTS nhằm bảo vệ quyền lợi và chỉ rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của đồng bào DTTS đối với vấn đề đất đai.
Trong đó, nội dung quy định về quyền bình đẳng được tiếp cận đất đai của đồng bào DTTS; đất đai đối với đồng bào DTTS rất ít người; nghĩa vụ, trách nhiệm của đồng bào DTTS đối với đất đai và Nhà nước; trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS; trách nhiệm về tài chính của Nhà nước trong thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS; các hành vi bị nghiêm cấm.
Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Văn Phúc – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH cũng cho rằng dự thảo cần phải có một chương riêng hoặc ít nhất là một mục riêng nói về quyền tiếp cận đất đai và quyền sử dụng đất của đồng bào DTTS thì mới giải quyết hết các vấn đề đặt ra về quyền và nghĩa vụ của đồng bào DTTS trong luật này.
Ông Phúc cho rằng dự thảo hiện nay có quy định nằm rải rác ở các Điều 17, 52, 174 và 175 là quá khiêm tốn.