Cần cơ quan chuyên trách tổ chức thi hành án hành chính

(PLO)- Với thực trạng chậm thi hành án như hiện nay thì cần thiết phải sửa đổi Nghị định 71 về thi hành án hành chính; có cơ quan chuyên trách trong việc xử lý, theo dõi, đôn đốc thi hành án. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thực trạng chậm/không thi hành bản án đã có hiệu lực mà người phải thi hành án (THA) là cơ quan nhà nước, lãnh đạo cơ quan nhà nước khiến người dân dù thắng kiện nhưng vẫn không đòi được quyền lợi đang diễn ra ngày một “nhức nhối”.

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn TS Cao Vũ Minh, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), về căn nguyên, cũng như đi tìm giải pháp để giải quyết thực trạng trên.

Phần đất của người dân bị thu hồi để làm đường, quyết định bồi thường bị tòa tuyên bị hủy nhưng nhiều năm sau bản án vẫn chưa được thi hành. Ảnh: HỮU ĐĂNG
Phần đất của người dân bị thu hồi để làm đường, quyết định bồi thường bị tòa tuyên bị hủy nhưng nhiều năm sau bản án vẫn chưa được thi hành. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Cơ chế tự thi hành không hiệu quả

. Phóng viên: Thưa ông, Nghị định 71/2016 đã quy định về thời gian, trình tự, thủ tục THA hành chính. Thậm chí là quy định cả chế tài xử lý kỷ luật đối với những cán bộ, công chức nếu vi phạm trong THA hành chính. Vậy vì sao các bản án hành chính vẫn chậm thi hành?

+ TS Cao Vũ Minh: Trong những năm gần đây, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ Tư pháp, các cơ quan THA đã tăng cường giám sát, theo dõi, đôn đốc và kiến nghị xử lý nhiều trường hợp chậm THA hành chính. Tuy nhiên, trên thực tế cho đến nay vẫn chưa có cán bộ, cơ quan nào bị xử lý kỷ luật.

Nguyên nhân xuất phát từ việc các quy định tại Luật Tố tụng hành chính 2015 và Nghị định 71/2016 chỉ dừng lại ở mức độ nguyên tắc, khái quát, chưa mang tính cụ thể. Ví dụ, các văn bản này đều không có quy định về thời hạn cụ thể phải thi hành bản án sau khi có quyết định buộc THA từ tòa án.

Vừa qua, báo cáo tại buổi giám sát của Ban Pháp chế HĐND TP.HCM về tình hình, kết quả thực hiện công tác THA, Cục THA dân sự TP.HCM cho biết từ ngày 1-10-2022 đến ngày 30-4-2023 có 235 bản án, quyết định hành chính phải thi hành, thế nhưng mới chỉ có 37 bản án, quyết định đã được thi hành.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, Nghị định 71 đặt ra điều kiện hành vi không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ bản án phải gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì mới xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức bằng các hình thức nặng như giáng chức, cách chức, buộc thôi việc...

Tuy nhiên, việc đánh giá hậu quả gây ra cũng không phải dễ dàng khi người vi phạm lại giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý, thậm chí là người đứng đầu chính quyền địa phương. Do vậy mà trên thực tế hiện nay các chế tài trong Nghị định 71/2016 chỉ mang tính chất tạo áp lực cho người phải THA mà chưa mang tính chất cưỡng chế, bắt buộc.

. Thi hành bản án đã có hiệu lực của tòa là bắt buộc, không thể trốn tránh. Vậy ông có đánh giá như thế nào về việc chấp hành các bản án hành chính hiện nay?

+ Cả Luật Tố tụng hành chính và Nghị định 71 đều quy định rõ nếu người phải THA không tự nguyện thi hành thì người được THA có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc THA hành chính.

Tuy nhiên, như đã nói luật lại chưa quy định thời hạn buộc phải thi hành sau khi có quyết định này. Kèm theo đó để xử lý được hình sự về tội không chấp hành án theo quy định tại Điều 380 BLHS thì phải kèm theo điều kiện đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế (hoặc đã bị xử phạt hành chính), thế nhưng hiện nay chưa có quy định nào nói quyết định buộc THA hành chính có phải là biện pháp cưỡng chế hay không. Do đó cũng rất khó để xử lý hình sự.

Vì vậy mà tôi cho rằng quyết định buộc THA hành chính của tòa hiện nay chưa mang lại tính răn đe, ràng buộc cao. Việc THA hành chính hiện nay chủ yếu vẫn thực hiện theo cơ chế “tự thi hành” của người phải THA. Do cơ chế “tự thi hành” nên tình trạng chây ì, phớt lờ trở nên phổ biến. Do đó, phải kiên quyết xử lý nghiêm một số cán bộ, công chức không THA để làm gương.

Cơ quan THA dân sự được giao nhiệm vụ theo dõi THA hành chính nhưng có lẽ đây là một nhiệm vụ khó khả thi bởi cơ quan này không có mối quan hệ về nhân sự, tổ chức với cơ quan phải THA hành chính.

TS Cao Vũ Minh, Trường ĐH Kinh tế - Luật

TS Cao Vũ Minh, Trường ĐH Kinh tế - Luật

Cấp bách phải sửa đổi, bổ sung luật

. Để trị được tình trạng chây ì không THA hành chính hiện nay, theo ông thì chúng ta cần có giải pháp, hướng ra như thế nào?

+ Về giải pháp lâu dài cần phải sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật, cụ thể là sửa đổi, bổ sung Nghị định 71/2016 theo hướng quy định rõ hơn về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục liên quan đến việc xử lý kỷ luật công chức, viên chức vi phạm trong THA hành chính. Hiện nay Nghị định 71/2016 chưa quy định mà thực hiện xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức.

Cạnh đó, những sửa đổi này cần nhắm tới việc truy cứu trách nhiệm kỷ luật đối với cả người đứng đầu lẫn cấp trên trực tiếp của người đứng đầu cơ quan có nghĩa vụ THA hành chính nhưng không thi hành. Theo đó, người đứng đầu lẫn cấp trên trực tiếp của người đứng đầu cơ quan có nghĩa vụ THA nếu thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc THA hành chính thì cũng phải gánh chịu trách nhiệm kỷ luật.

. Ngoài việc sửa đổi luật theo hướng xử lý nghiêm những cán bộ, công chức chây ì trong THA hành chính thì còn giải pháp nào để cải thiện việc thi hành các bản án hành chính?

+ Một giải pháp nữa cũng cần thực hiện là cần một cơ quan chuyên trách, chịu trách nhiệm chính trong việc xử lý, theo dõi, đôn đốc THA hành chính.

Bởi lẽ hiện nay khi thi hành một bản án hành chính có sự tham gia và xác định trách nhiệm của rất nhiều cơ quan nhưng không quy định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính đứng ra tổ chức thi hành. Ví dụ, tòa án ra quyết định buộc THA hành chính; cơ quan THA dân sự theo dõi việc THA, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đôn đốc, xử lý trách nhiệm; người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải THA thì chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm; UBND các cấp chỉ đạo việc THA…

Nếu như bản án hình sự được bảo đảm thi hành tuyệt đối bởi sự quyền uy của cơ quan THA hình sự thuộc Bộ Công an; bản án dân sự được bảo đảm thi hành hiệu quả bởi sự đốc thúc của cơ quan THA dân sự thuộc Bộ Tư pháp thì bản án hành chính lại khá khó khăn trong việc thi hành bởi không có cơ quan chuyên trách đảm nhiệm.

Cơ quan THA dân sự được giao nhiệm vụ theo dõi THA hành chính nhưng có lẽ đây là một nhiệm vụ khó khả thi bởi cơ quan này không có mối quan hệ về nhân sự, tổ chức với cơ quan phải THA hành chính. Trong khi đó, trách nhiệm của chủ thể không THA hành chính nếu có là loại trách nhiệm kỷ luật được thực hiện bởi người đứng đầu hoặc cấp trên trực tiếp nên cơ quan THA dân sự hiện nay cũng không thể xử lý được.

Từ những bất cập, thiếu sót trên trong các quy định của pháp luật, để phán quyết của tòa được thực thi nghiêm minh thì Bộ Tư pháp cần sớm kiến nghị Chính phủ đề nghị Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để sửa đổi luật cho phù hợp với thực tiễn.

. Xin cảm ơn ông.

Nhiều cơ quan vào cuộc nhưng vẫn “giậm chân tại chỗ”

Như Pháp Luật TP.HCM đã từng thông tin vụ việc ông Phạm Văn Tuân (ngụ phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang) kiện chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, UBND TP Nha Trang, chủ tịch UBND TP Nha Trang liên quan đến việc thu hồi đất của gia đình ông.

Ông Phạm Văn Tuân. Ảnh: TL

Ông Phạm Văn Tuân. Ảnh: TL

Bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng ngày 25-12-2020 tuyên hủy bốn quyết định của UBND TP Nha Trang, một quyết định của chủ tịch UBND TP Nha Trang, một quyết định của chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.

Tuy nhiên sau khi có bản án phúc thẩm, người bị kiện không THA. Vì vậy, ông Tuân nhiều lần gửi đơn đến TAND tỉnh đề nghị ra quyết định buộc THA. Đến tháng 12-2021, VKSND Tối cao có công văn hướng dẫn ông Tuân đề nghị TAND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định buộc THA. Đồng thời, VKSND Tối cao cũng chuyển đơn của ông Tuân đến TAND tỉnh Khánh Hòa để xem xét, giải quyết đề nghị buộc THA.

Ngoài ra, Tổng cục THA dân sự, Bộ Tư pháp cũng có công văn đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo UBND TP Nha Trang thực hiện nghiêm nội dung bản án phúc thẩm. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người phải THA trong trường hợp chậm THA, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của tòa án theo quy định.

Thế nhưng đến nay bản án phúc thẩm vẫn chưa được thi hành xong.

TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm