Cần đào tạo nhân lực cho sân bay Long Thành ngay từ bây giờ

(PLO)- Việc đào tạo nhân lực cho sân bay Long Thành cần tính toán phù hợp với nhu cầu thực tế, không nên ồ ạt.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sân bay quốc tế Long Thành tại huyện Long Thành, Đồng Nai có công suất thiết kế phục vụ 100 triệu khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Giai đoạn 1 xây đường băng, nhà ga cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách/năm, dự kiến đưa vào khai thác vào năm 2026. Tổng vốn đầu tư toàn bộ dự án khoảng 16 tỉ USD (336.630 tỉ đồng).

Cần lao động có chuyên môn

Gần đây, tại hội nghị đào tạo nguồn nhân lực vận hành sân bay Long Thành, ông Võ Tấn Đức, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, tính toán tổng nhu cầu lao động làm việc tại sân bay khoảng 14.000 người, trong đó hơn 5.000 người có trình độ đại học và trên đại học, 2.000 lao động phổ thông, còn lại là lao động sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề. Vậy câu hỏi đặt ra lúc này là nguồn lao động khổng lồ ấy cần được tuyển chọn, đào tạo như thế nào, quy trình đào tạo và tuyển chọn ra sao để đáp ứng yêu cầu công việc?

Sân bay Long Thành.JPG
Công trường giai đoạn 1 sân bay Long Thành. Ảnh: T.PHƯƠNG

Ông Phạm Ngọc Sáu, chuyên gia hàng không, nguyên Giám đốc sân bay quốc tế Vân Đồn, chia sẻ: “Lực lượng lao động làm việc tại sân bay có tính chuyên môn cao, trải qua các khóa đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu. Đặc biệt, với sân bay có quy mô lớn như Long Thành thì nguồn lao động tại chỗ sẽ không đáp ứng được những vị trí chuyên môn, cần có các chứng chỉ, chứng nhận của nhà chức trách hàng không.

Do vậy, lao động địa phương chỉ đáp ứng một phần trong tổng thể các vị trí làm việc tại sân bay như phục vụ hành khách, hàng hóa, dữ liệu, tiếp cận máy bay... Các vị trí này buộc phải có chứng chỉ theo quy định và được Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt, đồng thời tuân thủ các yêu cầu của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA)”.

Từng nắm vai trò giám sát một số sân bay trước khi đưa vào hoạt động, ông Sáu cho rằng đây là những công việc bắt buộc để vận hành sân bay chứ không phải là việc nội tại của địa phương. Do đó, cần có định hướng đào tạo nhân lực ngay từ bây giờ để kịp đưa vào vận hành vào năm 2026. Với một sân bay hoàn toàn mới và quy mô tầm cỡ như Long Thành, cần một năm để vận hành thử, trong đó tất cả quy trình hoạt động, bộ phận nhân sự cần phối hợp nhịp nhàng. Thông thường, tùy theo tính chất công việc, các vị trí làm việc tại sân bay có thời gian đào tạo ít nhất từ ba tháng đến một năm.

Từ kinh nghiệm điều hành sân bay mới Vân Đồn, ông Sáu cho rằng thời gian vận hành thử rất quan trọng để xử lý các sự cố bất thường như đường truyền công nghệ, băng chuyền hành lý ký gửi. Từ đó, ông Sáu lưu ý việc đào tạo nhân lực cho sân bay Long Thành cần tính toán phù hợp với nhu cầu thực tế, không nên đào tạo ồ ạt vì đây là công việc đặc thù, có tính chuyên môn cao, nếu dư thừa sẽ khó tìm công việc khác bên ngoài. Giải pháp cần lúc này là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam phối hợp với các cơ sở đào tạo như Học viện Hàng không Việt Nam dựa trên nhu cầu thực tế để đặt hàng đào tạo.

Đồng thời, không nên lấy nguyên trạng mô hình các sân bay hiện có để vận dụng vào sân bay quy mô, hiện đại như Long Thành vì sẽ không phù hợp, kém hiệu quả.

Việc đào tạo nhân sự tốt nhất là tại TP.HCM vì có nhiều cơ sở đào tạo, nơi thực tập là các hãng hàng không, công ty bảo dưỡng.

Bình đẳng với các ứng viên, tính toán cơ sở đào tạo

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đánh giá với công suất thiết kế 25 triệu khách/năm, nhu cầu lao động để vận hành tại sân bay Long Thành giai đoạn 1 là rất lớn, gồm nhiều bộ phận dịch vụ mặt đất, kiểm tra an ninh, hành lý, quầy phục vụ...

PGS-TS Tống cho rằng nhu cầu lao động tại sân bay Long Thành không chỉ dành riêng cho tỉnh Đồng Nai mà cần tạo sự bình đẳng trong tuyển dụng. Trong đó, tất nhiên có sự ưu tiên nhất định cho địa phương dành quỹ đất để xây dựng sân bay nhưng cần tính toán các vị trí việc làm phù hợp.

Nói thế nhưng không phải bằng mọi giá đưa lao động địa phương vào làm việc ở sân bay Long Thành. Địa phương có thể tạo điều kiện để con em có kiến thức, kỹ năng làm việc tại sân bay như đào tạo, huấn luyện trước để có lợi thế cạnh tranh so với các ứng viên khác. “Cần lưu ý lao động trong ngành hàng không đòi hỏi tác phong công nghiệp, phương thức làm việc chuyên nghiệp tại một sân bay quốc tế bắt buộc phải có” - PGS-TS Tống nêu quan điểm.

Theo PGS-TS Tống, việc đào tạo nhân sự tốt nhất là tại TP.HCM vì có nhiều cơ sở đào tạo, nơi thực tập là các hãng hàng không, công ty bảo dưỡng... Bên cạnh đó, thay vì mở trung tâm đào tạo ở tỉnh Đồng Nai thì nên tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo hiện có như Học viện Hàng không Việt Nam, nơi có sẵn kinh nghiệm, đúng chuyên ngành, nhu cầu sử dụng lao động đến đâu đặt hàng cho các cơ sở đào tạo tương ứng.

“Hàng không là ngành đặc thù, nếu mở ra cơ sở quá mức sẽ lãng phí đầu tư. Về lâu dài, mở ra vài khóa rồi đóng cửa sẽ tốn chi phí đầu tư” - PGS-TS Tống nhận xét.

Ngoài ra, PGS-TS Tống đề xuất cần luân chuyển nguồn lao động có kinh nghiệm từ các sân bay thuộc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đến Long Thành làm việc, chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm cho lao động mới để dần tiếp cận mô hình vận hành, kinh doanh mới tại Long Thành.•

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) định hướng khi sân bay Long Thành được đưa vào vận hành, các chuyến bay trên 1.000 km đa số sẽ thông qua sân bay này. Công tác đào tạo nhân lực cần tập trung ngành nghề bảo dưỡng, chăm sóc, sửa chữa máy bay. Đồng thời, sân bay cũng cần đội ngũ nhân sự lĩnh vực công nghệ thông tin, trung tâm dữ liệu, sinh trắc học, tự động hóa xử lý hành khách, hành lý...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm