Ngày 9-6, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Phát biểu tại đây, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị phải định nghĩa lại “thế nào là bằng và tốt hơn khi thu hồi đất tái định cư cho người dân”. “Có lẽ câu này là câu nhức nhối nhất, tưởng đơn giản nhưng không hề đơn giản và nó mở ra cách tiếp cận hoàn toàn mới trong công tác giải phóng mặt bằng” - ông nói.
Bất cập khi đền bù chỉ căn cứ vào “đơn giá, định mức”
Bộ trưởng NN&PTNT phân tích cách làm từ trước đến nay là hàng năm HĐND tỉnh sẽ ban hành một bảng giá đất, sau đó khảo sát cây cối, nhà cửa từ đó ra một bảng “đơn giá, định mức” để bồi thường tái định cư khi thu hồi đất của người dân.
Theo đó, ông dẫn một loạt ví dụ thực tiễn trong đền bù giải phóng mặt bằng theo cách làm cũ đã dẫn đến hàng loạt bất cập, bất hợp lý, như: chuyển đổi nghề cho người gần 80 tuổi, tổng tiền đền bù nhà cũ không mua được chỗ ở mới…
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan. Ảnh: Trọng Phú |
Bên cạnh đó, Bộ trưởng NN&PTNT cũng cho rằng nơi ở không chỉ là ngôi nhà mà còn là không gian sống, không gian văn hoá của người dân. Nếu chỉ căn cứ “đơn giá, định mức” để đưa vào khu tái định cư sẽ khiến cuộc sống của người dân “”đảo lộn hết cả”.
Ông lấy ví dụ khi các tổ chức nước ngoài vào Việt Nam khảo sát rất kỹ như: điều tra xã hội học, thu nhập, sức khoẻ… “Do đó, một hộ đông con khác một hộ ít con, một hộ toàn người già cả khác với một hộ nhiều người khoẻ mạnh. Phải làm rất kỹ. Tôi cho rằng đây mới là khâu quyết định chứ không phải chỉ có “đơn giá, định mức” là quyết định” - ông Hoan nhấn mạnh.
Ông cảnh báo, sắp tới việc chuyển đất lúa, đất rừng… sang phục vụ công nghiệp, dịch vụ sẽ ngày càng nhiều và nếu không có cách tiếp cận mới về đền bù giải phóng mặt bằng thì sẽ bị tắc ở khâu này.
“Chừng nào thu hồi đất còn tư duy mua bán, lúc đó còn thất bại”.
Theo đó, Bộ trưởng NN&PTNT đề nghị phải làm rất kỹ khâu khảo sát trước khi thực hiện giải phóng mặt bằng để lắng nghe, giải quyết tâm tư, nguyện vọng của người dân chứ không chỉ căn ke mỗi vào “đơn giá, định mức”. Từ đó, Nhà nước cũng phải chia sẽ một phần lợi ích từ phần chênh lệch địa tô để bù đắp cho người dân.
“Đây không phải chỉ là thu hồi đất, mà đây là vấn đề chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương Nếu mà xuôi cái này, tôi đảm bảo đầu tư công sẽ đẩy nhanh tiến độ…” - ông nhấn mạnh.
Phân cấp mạnh cho địa phương thực hiện
Làm rõ hơn ý kiến của Bộ trưởng NN&PTNT nêu, Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh khẳng định phát biểu này đúng với tính hình thực tiễn, đúng với cuộc sống nhân dân. “Đây là cuộc sống của nhân dân sau khi tái định cư, phải đảm bảo bằng và tốt hơn nơi ở cũ, trong đó hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, sản xuất và sinh kế cho bà con” - ông Khánh nhấn mạnh.
Ông Khánh cho hay thực tế có “nhiều khu tái định cư không gắn với cuộc sống của nhân dân, không đúng với bản sắc văn hoá thì nhân dân không ở”. Do đó, dự luật đã nghiên cứu, quy định nguyên tắc khung cho vấn đề bồi thường, tái định cư và phân cấp cho địa phương thực hiện.
Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh. Ảnh: Trọng Phú |
Với kinh nghiệm từng là lãnh đạo địa phương, ông Khánh phân tích thêm thực tế người dân có nhiều nguyện vọng khi nhận đền bù, tái định cư. Có người có đất rồi chỉ nhận tiền, có trường hợp thì cần đất tái định cư và nhóm này cần phải nghiên cứu kỹ vừa giải quyết chỗ ở, vừa giải quyết sinh kế .
Bên cạnh đó, chọn khu vực tái định cư nào, nếu người dân đang làm nông nghiệp thì phải chuyển đổi nghề nghiệp thế nào, phương án với người già, trẻ em ra sao.
“Hiện trong luật chúng ta đưa ra cái khung, yêu cầu, mục tiêu, mục đích, nhưng chính quyền địa phương phải tham gia vào. Tôi thống nhất với Bộ trưởng Hoan “bằng và hơn nơi ở cũ” chính là cuộc sống của người dân phải bằng và hơn nơi ở cũ’” - ông Khánh nói.
Ông Khánh nhấn mạnh “bằng và hơn” không chỉ là về điều kiện hạ tầng, kỹ thuật mà còn là sinh kế, văn hoá, phong tục, tập quán của người dân. “Tôi lấy ví dụ ở trên miền núi thì đồng bào Mông thích sống trên cao, nhưng lại tái định cư ở chỗ thấp, nhưng điều này ngược với mong muốn, phong tục, bản sắc văn hoá của họ” - ông nói.
Theo đó, Bộ trưởng TN&MT cho hay dự thảo luật cần quy định khung về nội dung này, sau đó là trách nhiệm của địa phương phải thực hiện những việc như khi tái định cư phải điều tra xã hội học, tạo được sinh kế tốt hơn cho người dân. Như vậy mới giải quyết được căn bản vấn đề “bằng và tốt hơn” nơi ở cũ.