Cứ nhìn vào Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương có đến 44/46 người quản lý cấp phòng trở lên, Sở Nội vụ TP Hà Nội có tám phó giám đốc, Yên Bái có bốn sở thừa phó giám đốc... sẽ thấy tình trạng này đang trở nên nhức nhối.
Lấy lý do bổ nhiệm để cán bộ có cái “tầm”, cái “hàm” khi làm việc với đối tác hoặc do tiến trình nâng cấp, mở rộng nhiều cơ quan để bổ nhiệm ồ ạt cũng khiến bộ máy thay vì tinh giản càng thêm cồng kềnh. Có địa phương, cơ quan bổ nhiệm người vì nhiều lý do nhưng lại không phải từ nhu cầu thực tế hay năng lực nhân sự.
Hiện nay các cơ quan, đơn vị được phân quyền nhiều hơn, chủ động hơn trong việc sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm. Đó cũng là lý do số quan chức lãnh đạo, quản lý tăng đột biến, đặc biệt là cấp phó.
Việc có quá nhiều cán bộ quản lý trong một cơ quan không những không giúp giải quyết nhanh chóng, hiệu quả công việc mà đôi khi còn gây ra tình trạng chồng chéo, giẫm chân nhau trong chỉ đạo, điều hành.
Từ điều này đẩy đến việc mỗi khi cần sự phối hợp, kết hợp liên ngành sẽ khá chệch choạc. Cơ quan chủ trì thì thích hợp tác với chuyên viên, nhân viên hơn bởi họ mới là người nắm tình hình thực tế còn lãnh đạo của họ lại chỉ quen “chung chung”. Nhưng đáng buồn thay, ngồi họp lại chỉ toàn lãnh đạo.
Quan chức lãnh đạo, quản lý nhiều, phụ cấp chức vụ, tiêu chuẩn chế độ cao mà Nhà nước phải chi ra càng nhiều, bài toán ngân sách tất yếu bế tắc lời giải.
Một hiện trạng với quá nhiều nhược điểm như vậy cần sớm chấm dứt. Chỉ cần bỏ thói quen kiêng dè, sợ đụng chạm và du di với nhau, cái lạm phát này chắc hẳn sẽ giảm. Hơn nữa, không thể nói suông, phải dùng luật để trị. Khi lãnh đạo sai trong bổ nhiệm phải có xử lý nghiêm khắc, tương xứng mức độ vi phạm.