Cần giải pháp ứng phó tình trạng nắng nóng kỷ lục

(PLO)- Bên cạnh những biện pháp bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng, cần phải tăng diện tích cây xanh trong các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư để giảm bớt nhiệt độ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày gần đây, ở khắp cả nước cũng như một số khu vực lân cận xảy ra tình trạng nắng nóng, điều này gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người.

Nắng nóng dị thường

Theo thông tin từ Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT), từ ngày 18-4 đến nay, khu vực phía tây Bắc Bộ, các tỉnh Trung Bộ, thậm chí cả Nam Bộ đồng loạt xảy ra nắng nóng. Ở khu vực phía tây Bắc Bộ, các tỉnh Trung Bộ đã xảy ra nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất có nơi trên 40 độ C. Nguyên nhân gây ra nắng nóng ở phía tây Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung là do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng thấp nóng, cộng với tác động của gió phơn gây ra.

Đợt nắng nóng này rất gay gắt, một số nơi có nhiệt độ lên tới 41-42 độ C, đặc biệt có ngày nhiệt độ lên tới 42,8 độ C. Trong ngày 18-4, nhiều nơi tại Tây Bắc cũng có nhiệt độ cao nhất vượt giá trị lịch sử. Năm nay, xu hướng nhiệt có thể sẽ cao hơn so với trung bình nhiều năm và dự báo số ngày nắng nóng ở Bắc Bộ, Trung Bộ có thể sẽ nhiều hơn so với năm 2022.

Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết năm nay dòng xiết nhánh phía nam cao nguyên Tibet rút lui lên phía bắc sớm, tạo điều kiện cho mùa hè xuất hiện sớm. Đây cũng là nguyên nhân khiến vùng thấp nóng ở châu Á hoạt động sớm và mạnh hơn so với trung bình hằng năm. Cũng theo cơ quan này, hệ quả nắng nóng ở châu Á xuất hiện sớm, cường độ mạnh, dẫn đến nhiều vùng ở châu Á, trong đó có Việt Nam xảy ra nắng nóng dị thường.

“Nhiệt độ không khí trung bình năm ở tất cả vùng của Việt Nam đều có xu thế tăng so với thời kỳ cơ sở (1986-2005), mức tăng phụ thuộc vào các kịch bản về đường nồng độ khí nhà kính đại diện (RCP) và vùng khí hậu. Theo kịch bản RCP 4.5, nhiệt độ trung bình năm trên toàn quốc vào giữa thế kỷ có mức tăng 1,2-1,7 độ C, đến cuối thế kỷ có mức tăng 1,6-2,4 độ C” - đại diện Tổng cục Khí tượng thủy văn dự báo.

Ông Lê Đình Quyết, Phó Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết tại Nam Bộ, từ ngày 17 đến 24-4, nhiệt độ không khí một số nơi đã lên cao nhất kể từ đầu năm nay. Một số tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Bộ đạt mức nắng nóng gay gắt (trên 39 độ C). Theo dự báo, từ đầu tháng 5, mưa sẽ xuất hiện nhiều dần. Ban ngày trời có mây, chiều tối có mưa ở một số nơi nhưng đầu giờ chiều nhiệt độ không khí vẫn cao, nắng nóng vẫn diễn ra từng đợt trong tháng 5. Mức nhiệt cao nhất trong ngày là 35-36 độ C.

Người dân TP.HCM dưới cái nắng dị thường của tháng 4. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Người dân TP.HCM dưới cái nắng dị thường của tháng 4. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Tăng cường cây xanh để giảm bớt nhiệt độ

Không chỉ riêng Việt Nam, các nước lân cận hiện cũng phải đối mặt với các kỷ lục nắng nóng. Cụ thể, một số nước như Ấn Độ, Thái Lan, Lào... cũng có nền nhiệt trung bình liên tục lập kỷ lục mới. Một số nơi ở Thái Lan có thời điểm lên hơn 44 độ C, mức nóng nhất từng được ghi nhận ở nước này. Lào cũng phá kỷ lục nhiệt độ cao nhất, có vùng ghi nhận nhiệt độ 42,9 độ C vào ngày 20-4.

Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ, đây là hiện tượng thời tiết cực đoan có liên quan đến biến đổi khí hậu, đồng thời cũng liên quan đến hiện tượng thời tiết El Nino.

Hiện tượng này khá bất thường so với mọi năm, tình trạng nóng lên toàn cầu có nguy cơ càng ngày càng gia tăng. Mặc dù các nhà khoa học đã có nhiều cảnh báo nhưng lượng phát thải khí nhà kính không giảm. Theo ông Tuấn, đây là hệ quả của hiện tượng nóng lên toàn cầu và làm tăng nhiệt độ trong mùa khô.

“Tôi dự đoán tình trạng thời tiết sẽ trở nên khắc nghiệt hơn trong những năm tiếp theo, chúng ta cần có những giải pháp để đảm bảo sức khỏe cho người dân. Cần tăng diện tích cây xanh trong các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư để giảm bớt nhiệt độ. Cạnh đó, khôi phục những hồ nước, những nơi giúp trữ nước để chống lại nhiệt độ” - PGS-TS Lê Anh Tuấn nói.

Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, một trong các giải pháp khác cần làm ngay là nghiên cứu trồng những loài cây ít tiêu thụ nước hơn trong lĩnh vực nông nghiệp để tránh việc gia tăng tình trạng khô hạn.

GS Trương Quang Học, nguyên Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT, Viện TN&MT, ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng nhận định thời tiết nóng lên có liên quan đến hiện tượng thời tiết El Nino. Trong hai năm 2023 và 2024, hiện tượng này mạnh mẽ hơn, vì vậy nhiệt độ của Trái đất sẽ nóng lên ở mức cao. GS Trương Quang Học cảnh báo điều này có thể dẫn đến tình trạng khô hạn, cháy rừng...

“Để ứng phó với biến đổi khí hậu, ở tất cả lĩnh vực phải hướng tới mục tiêu ứng phó và tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, thực hiện những giải pháp có lợi ích cho thiên nhiên như trồng cây xanh...” - GS Trương Quang Học nói.•

Nắng nóng tác động xấu đến sức khỏe

Theo ông Hoàng Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Y tế quận 8, TP.HCM hiện tượng nắng nóng xảy ra sẽ có tác động xấu đến sức khỏe của con người. Người dân cần cẩn trọng, không nên làm việc quá lâu ngoài nắng, uống nhiều nước. Bên cạnh đó cần trang bị quần áo, mũ, kính chống nắng. Cần lưu ý về vấn đề ăn uống, vì nhiệt độ cao khiến thức ăn rất nhanh bị ôi thiu.

BS CK i Trương Thị Ngọc Phú, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp BV Nhi đồng 2, cũng thông tin trong đợt nắng nóng, BV Nhi đồng 2 ghi nhận nhiều trường hợp phụ huynh đưa trẻ em đến khám các bệnh về tiêu hóa, hô hấp. Đa số trẻ vào bệnh viện đều có điểm chung là ói, đi ngoài phân lỏng hoặc trẻ bị sốt, ho, sổ mũi.

Một số bệnh thường gặp có thể kể đến là nhiễm trùng đường tiêu hóa, ngộ độc thức ăn, bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, viêm da. Thời điểm nắng nóng, nhiệt độ tăng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh tăng sinh và phát triển.

Với thời tiết này, BS Phú khuyến cáo phụ huynh nên chú ý cung cấp đủ nước và chất điện giải cho con trẻ, tránh uống nước ngọt, nước đá lạnh. Ngoài ra cần bổ sung rau xanh và trái cây có nhiều vitamin A, C... Bên cạnh đó nên cho trẻ mặc đồ thoáng mát, giảm thời gian tham gia các hoạt động ngoài trời quá lâu có thể tiết nhiều mồ hôi, mất nước và dễ gây bệnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm